• Năm 2020, Thực phẩm Sao Ta đạt doanh thu hơn 4.400 tỷ đồng, mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của doanh nghiệp.
  • CEO Sao Ta - Hồ Quốc Lực cho biết kết quả này có được nhờ sự nỗ lực ham học và siêng làm.

 

Đầu tháng 2, khi các ca nhiễm Covid-19 liên tục xuất hiện, việc đầu tiên Sao Ta thực hành lời hiệu triệu “tìm cơ trong nguy” là dọn sạch kho hàng hóa. Dọn sạch được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa bóng là bán tất những gì có thể và nghĩa đen là dọn dẹp kho ngăn nắp, chuẩn bị cho giai đoạn tới.

CEO Sao Ta - Hồ Quốc Lực.

 

Kết quả khả quan xuất hiện, so với cùng kỳ năm 2019, lượng hàng tồn kho giảm tới 40%, không chỉ giúp kéo giảm tiền vay ngân hàng, mà còn giảm cả rủi ro hàng giảm giá nếu đại dịch lan rộng khiến sức cầu đi xuống.

 

Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 nhắc ông Hồ Quốc Lực nhớ đến bài học này.

Việc tiếp theo, Sao Ta tiếp tục coi trọng liên lạc thường xuyên với khách hàng từ các thị trường nhập khẩu, song song cập nhật thông tin thường xuyên trên báo đài để nắm bắt tình hình, chuẩn bị nguồn lực cho từng đơn hàng. Nhờ đó, họ không có lô hàng nào sản xuất dở dang bị hủy hợp đồng, không bị kẹt hàng trong kho và kẹt vốn lưu động, giảm thiểu rủi ro, tạo động lực để đội ngũ phấn khởi làm việc hơn.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này lắp một màn hình led ở khu trung tâm để công nhân khi đi ăn cơm giữa ca có thể biết thêm về tình hình đại dịch; chuẩn bị sẵn các vật tư như bao bì, bột, dầu chiên…, thậm chí là giấy vệ sinh.

“Những việc trên chỉ mang tính ứng xử tình huống. Chúng tôi còn rút ra một điều là phương án kinh doanh phải uyển chuyển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng lúc khó khăn. Bởi lúc đó, thu nhập của họ bị giảm sút, sức mua có hạn”, ông Lực nói về bài học cụ thể là quy cách chế biến, đóng gói “nhẹ” tiền hơn. Đồng thời, chú trọng kênh siêu thị, cửa hàng nhiều hơn kênh nhà hàng, khách sạn.

Thời điểm tháng 4/2020, trong ngồn ngộn thông tin từ các trang web, ông Lực phải lần tìm cụ thể những yếu tố tác động đến Công ty, như tình hình cung - cầu trên thế giới, hoạt động logistics, thông tin về đồng nghiệp… Mọi thông tin dù lớn hay nhỏ đều được ông phân tích rõ lợi, hại nhằm có kịch bản, phương án riêng cho mình.

“Tìm cơ trong nguy là khẩu hiệu quyết tâm được hiệu triệu. Thủ tướng nói, lúc gai góc, khó khăn nhất chính là lúc thể hiện bản sắc, chí khí của con người Việt Nam”, ông Lực nhắc lại tinh thần góp phần không nhỏ trong dấu mốc lịch sử của Sao Ta trong năm vừa qua.

Không chỉ đạt doanh thu kỷ lục (hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 236 tỷ đồng, cũng trong năm đại dịch xuất hiện, Sao Ta còn góp vốn lập thêm Công ty Thực phẩm Khang An, chuyên nuôi, trồng chế biến nông, thủy sản, vừa đi vào hoạt động từ đầu năm 2021.

Ông Lực cho rằng, tất cả những giải pháp nói trên không chỉ nhằm giảm tối đa thiệt hại, mà hơn nữa, còn là tìm cơ hội vươn lên trong lúc nguy nan, để Sao Ta trụ lại trong khó khăn và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Minh chứng là, mạch tăng trưởng của Sao Ta đang tiếp tục được duy trì. Trong tháng đầu năm 2021, lượng tôm chế biến của doanh nghiệp này tăng gần 30%, doanh số đạt hơn 14 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm 2020 đến 42%.

Không chỉ trong đại dịch, Sao Ta mới tìm cơ trong nguy.

Từ một xưởng chế biến tôm với vốn cố định 19 tỷ đồng được thành lập vào đầu năm 1996, vốn lưu động phải đi vay, Sao Ta quyết định vay thêm vốn ngân hàng để xây dựng xưởng chế biến nông sản vào cuối năm 1997.

Cùng thời điểm này, có nhiều đoàn khách Nhật Bản tìm về miền Tây, vì trước đó 3 năm, Bộ Thuỷ sản triển khai chương trình cải thiện điều kiện sản xuất trong nhà máy thủy sản. Tuy nhiên, họ khá thất vọng với tình trạng nhà xưởng ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhận thấy cơ hội kinh doanh lớn, để tranh thủ thời cơ, Sao Ta đề nghị ngân hàng cho làm lại hồ sơ, xác định mục tiêu vay vốn để xây dựng xưởng thủy sản tinh chế, thay vì chế biến nông sản. Cuối quý III/1998, xưởng làm duỗi tôm và tôm bao bột bắt đầu đi vào hoạt động, có sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản. Đơn hàng về dồn dập và ngay cuối năm đó, Công ty đã hoàn vốn đầu tư. Từ đó, Sao Ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước và có hơn 80% thị phần ở Nhật Bản.

Có thể thấy, Sao Ta đã tranh thủ được cơ hội kinh doanh, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng thời lo ngại vướng thủ tục pháp lý và rủi ro, nên không mạnh dạn vay vốn nâng cấp nhà xưởng, hoặc không nhìn ra cơ hội kinh doanh.

Thành công từ cơ hội đó là nền tảng để Sao Ta vượt lên. Việc này cũng minh chứng, một thời cơ được tranh thủ kịp lúc có thể trở thành sức mạnh, nền tảng để duy trì nhịp độ phát triển ổn định lâu dài.

Nói chung, cơ hội kinh doanh có thể đến bất kỳ lúc nào. Nhưng muốn nhận diện được nó, cần những cái đầu có chủ định, nhạy bén để “đãi cát tìm vàng”.

“Ai nói làm giám đốc là sướng, ai nói nhà chế biến có lãi nhiều là ép giá người cung ứng nguyên liệu? Làm giám đốc vô vàn vất vả. Để có được lợi nhuận, biết bao nhiêu nơ-ron thần kinh phải tiêu đi, trộn với mồ hôi, công sức…”, ông Lực chia sẻ.

Dường như càng “vướng” vào khó khăn khách quan, Sao Ta lại càng có được kết quả tốt hơn.

Những năm 1997 - 1998, khi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á xảy ra, Sao Ta hình thành xưởng chế biến tôm cao cấp - nền tảng giúp Công ty khẳng định thương hiệu tại thị trường Nhật Bản hơn 20 năm qua.

Tiếp đó, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008, đến cuối năm 2008, Sao Ta xây dựng thêm Nhà máy Chế biến nông sản An San.

Và sau hơn một năm đối phó với đại dịch Covid-19, ngay đầu năm 2021, Sao Ta có thêm Công ty cổ phần Thực phầm Khang An cùng hai nhà máy mới.

Giai đoạn 1998 - 2003, có rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã tìm đến Sao Ta để học hỏi. Ông Lực và ban lãnh đạo Sao Ta không ngần ngại sẻ chia kinh nghiệm. Đây là điều hiếm thấy, bởi trong kinh doanh, người ta thường hay giữ “bí kíp”, giữ “nồi cơm” của mình.

Có thể nói, tinh thần và tầm vóc của Sao Ta đã trở thành áp lực khiến các đồng nghiệp phải nhanh chóng cải tổ điều kiện sản xuất; đồng thời cũng tạo động lực để các doanh nghiệp nhỏ phấn đấu. Hơn thế, họ còn cảm thấy ấm lòng vì có cộng đồng sẻ chia.

Thêm một sự “trùng hợp” nữa, khoảng thời gian trên cũng chính là giai đoạn ngành chế biến tôm đông lạnh Việt Nam có bước tiến vượt bậc, nâng trình độ chung lên hàng cao nhất khu vực.

“Sao Ta đã “thầm lặng” góp chút công sức cho sự thăng hoa này”, ông Lực nói và nhớ đến 2 quyển sách “Nhập môn tôm Việt” và “Nhập môn quản trị doanh nghiệp thủy sản” do ông cùng các cộng sự tại Sao Ta và Khang An biên soạn.

Tại Đại hội toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhiệm kỳ 6, được tổ chức đầu tháng 12/2020, ông Lực liên tục sốt sắng hỏi anh, em đồng nghiệp đến dự đã nhận được 2 quyển sách “nhập môn” này chưa.

Từ khi đại dịch xuất hiện, nhịp sống hàng ngày của vị doanh nhân luôn dành mối quan tâm đến “con tôm, con cá tra và hạt gạo” có nhiều thay đổi. Phải dành thêm thời gian lo toan cho công việc vì ảnh hưởng của Covid-19, nhưng ông Lực cũng bớt căng thẳng hơn, do không tiếp khách xa. Thời gian đó, ông tập trung suy nghĩ chiến lược hoạt động “hậu Covid-19”, cho những việc đời riêng, như ngồi lục lại các bài viết của mình trong 20 năm qua.

“Soạn, xếp lại theo từng chủ đề, biên tập, cập nhật nếu có thể và lên kỹ thuật vi tính rồi gởi các bạn, các con đọc chơi. Thú thật, tôi luôn không để quỹ thời gian trôi qua lãng phí, tiếc lắm”, ông Lực tâm sự.

Có lẽ, đây cũng là lý do vì sao ông vẫn duy trì thói quen viết bài trên website của VASEP, dù hồi đi học, ông không giỏi viết văn. Ngoài thông tin về ngành nghề, ông chia sẻ về những vấn đề cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp.

Ông tin rằng, thông tin rất cần thiết và hữu ích cho việc điều hành đúng hướng, đúng thời điểm. Đặc biệt, dù cùng tiếp cận lượng thông tin như nhau, nhưng không phải ai cũng có thể nhìn ra cơ hội trong kinh doanh, tùy thuộc vào sự nhạy bén của mỗi người. Để có được sự nhạy bén, mỗi người đều có thể rèn luyện và trang bị cho mình, thông qua việc tập nhận xét vấn đề.

Dù khi kinh doanh thuận lợi hay lúc khó khăn, với ông Lực, đức tính kiên trì, nỗ lực luôn là điều quan trọng nhất. Ông bảo: “Những lúc gặp khó khăn giống như xe đang lên dốc, tăng hết ga mới biết khả năng thực của xe, còn cứ chạy đường bằng phẳng, thì rất khó đánh giá”.

Sao Ta đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm, tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và đứng trong tốp 2 những nhà chế biến tôm lớn nhất Việt Nam.

Bằng cách nào để từ một doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa từng có giai đoạn không có cổ đông chiến lược, như con thuyền nhỏ lang thang trên biển, không lịch trình, không bến đỗ, Sao Ta lại có thể trụ vững và phát triển như hiện nay?

Thậm chí, vị lãnh đạo gắn bó với Sao Ta từ những ngày đầu thành lập như ông Lực không được đào tạo chuyên ngành liên quan, cũng chưa từng chủ ý chọn theo nghề đông lạnh nếu không bị từ chối khi xin việc trong ngành lương thực và du lịch.

“Mình không có gì khác biệt, mà chỉ siêng học, siêng làm, cần cù sẽ bù thông minh”, doanh nhân Hồ Quốc Lực nói.

 

(Theo ndh.vn)

 

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.