tts-01122020-1(vasep.com.vn) Thế giới phẳng, mọi thông tin lan truyền nhanh chóng. Mọi sai sót (nếu có), dù lớn hay nhỏ, dù khách quan hay chủ quan của bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể trở thành hòn đá tảng chặn đường tiến bước của mình. Để tồn tại và duy trì nhịp độ phát triển, bây giờ các lãnh đạo DN phải luôn chú tâm chăm lo mọi mặt cho DN mình, nhằm tăng sức cạnh tranh và đủ sức trên đường trường đầy cam go, cạm bẫy.

Thời hội nhập, những ngành sản xuất hàng xuất khẩu càng vất vả hơn bởi luôn phải tìm cách vượt qua đối thủ khắp thế giới. Mà thông tin về đối thủ đâu thể dễ dàng tìm. Chưa biết người làm sao bảo đảm luôn thắng trận?!

 

Việt Nam có thế mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Thế mạnh nổi trội hơn nữa là trình độ chế biến sâu, chế biến cao, giá tiêu thụ tốt hơn. Ngành tôm là ngành có tiềm năng phát triển lâu dài, từ đó nhiều cường quốc nuôi tôm đã chú tâm thúc đẩy phát triển, khởi đầu từ tăng trưởng nuôi tôm. Điều này, dẫn đến cán cân cung cầu tôm trên thế giới về trạng thái cân bằng, sâu xa hơn giá tôm sẽ ở mức chỉ vừa phải. Muốn có lợi nhuận từ ngành tôm, buộc các cường quốc tôm phải tập trung tìm ra quy trình nuôi tôm an toàn hơn, bền vững hơn, có giá thành thấp hơn. Đồng thời nâng cao trình độ chế biến ở các DN. Việt Nam lợi thế có nhiều DN trình độ chế biến cao, nhưng còn bất lợi là tỷ lệ thu hồi tôm nuôi còn thấp, khiến giá thành tôm nuôi còn cao hơn so các nước. Trong khi chờ đợi chuyển biến khu vực nuôi tôm, khu vực DN chế biến nên tăng tốc, nâng cao lợi thế, ưu điểm của mình, ít nhiều bù đắp cho giá cả tiêu thụ tôm Việt luôn có xu hướng cao hơn sản phẩm tương đồng các nước khác.

Cụ thể làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN tôm Việt? Đó là một hệ thống công việc mang tầm chiến lược, bởi các công việc đó phải được duy trì thường xuyên trong dài hạn. Cụ thể hơn là các lãnh đạo DN phải có:

+ Chương trình xây dựng thương hiệu cho con tôm: Thời buổi này, người tiêu dùng có ít thời gian, vào siêu thị thấy mặt hàng cần dùng quen là bỏ vào giỏ hàng. Không nỗ lực, kiên trì xây dựng thương hiệu làm sao thu hút người tiêu dùng. Ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Đồng thời, năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 và Lễ công bố các Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được diễn ra ngày 25/11/2020 là trên xu thế, nền tảng này.

Nếu không ý thức xây dựng thương hiệu cho tôm, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở các hệ thống trung bình, giá cả trung bình, không thể làm chuyển biến chuỗi giá trị con tôm cũng như nâng tầm tôm Việt trên thương trường thế giới.

+ Để xây dựng thương hiệu, nền tảng phải xây dựng văn hóa DN. Năm 2016 Thủ tướng CP ra quyết định số 1846/QĐ-TTg (26/9/2016) về việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt và chọn ngày 10/11 hàng năm là ngày văn hóa doanh nghiệp Việt. Đến năm 2018 Thủ tướng mới có quyết định số 248/QĐ-TTg (28/2/2018) thành lập Ban Tổ chức triển khai thực hiện nội dung trên. Xây dựng văn hóa DN là một quá trình liên tục, dài hạn, phụ thuộc rất lớn vào ý chí lãnh đạo DN. Cụ thể thông qua hệ thống quy chế làm việc, ứng xử do DN ban hành nhằm điều chỉnh hành động các thành viên trong DN cùng hướng về một phía. Xây dựng văn hóa DN thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức các thành viên thực thi công việc cụ thể. Khi họ đã ý thức, thống nhất thì việc bảo đảm chất lượng sản phẩm - tiêu chí hàng đầu cho sự hình thành thương hiệu, nỗ lực tiết kiệm chi phí… mới khả thi.

+ Thế giới phẳng, liên thông thông tin. Sự tìm hiểu, đòi hỏi của người tiêu dùng là một áp lực không nhỏ đối với hoạt động DN. Người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm làm ra không bóc lột, không gây tổn hại môi trường, cộng đồng. Người tiêu dùng luôn tìm hiểu xuất xứ sản phẩm khi mua hàng… Từ đó, các DN phải luôn quan tâm lo lắng cho sự phát triển bền vững của mình.

Để thể hiện quan tâm nội dung này, các DN phải thực thi nhiều tiêu chí của bên mua hàng, của nước bên mua hàng, thậm chí Liên Hợp Quốc cũng đã đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững cho thế giới! Các tiêu chí cụ thể của phát triển xoay quanh 3 thành tố chính đó là: Kinh tế bền vững - Môi trường bền vững - Xã hội bền vững. Muốn kinh tế bền vững các lãnh đạo DN nên chú trọng đạo đức kinh doanh; muốn môi trường và xã hội bền vững các lãnh đạo DN thực thi đầy đủ trách nhiệm xã hội (CSR) và tuân thủ pháp luật nghiêm túc.

“Chỉ khi phát triển bền vững, doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng lớn mạnh thời kỳ hậu Covid-19”. Đây là khẳng định của Chủ tịch VCCI - TS.Vũ Tiến Lộc tại Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020. Chương trình được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp (DN) bền vững từ năm 2016 và Chỉ thị về Phát triển bền vững số 13/CT-TTg ngày 20/05/2019. Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD xây dựng tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Thời covid-19 khiến nhiều DN lâm vào khó khăn, cũng khiến không ít DN có thời gian trống nhiều hơn. Đây là lúc nên tận dụng thời gian, lãnh đạo các DN quan tâm hơn các nội dung trên, những nội dung rất lớn Chính phủ đang hết sức chăm lo, vận động tất cả cộng đồng DN cùng tham gia. Việc này càng trở nên cấp thiết khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy nông dân, các DN ta phải đối đầu, cạnh tranh quốc tế: “Trâu chậm uống nước đục”, ông bà ta đã đúc kết.

Thời buổi này, như phân tích trên, nếu DN muốn tồn tại dài lâu, không thể còn chuyện chụp giựt, đánh quả, bóc ngắn cắn dài. Như vậy, để phát huy thế mạnh tốt nhất phải càng cần quan tâm các nội dung trên. Thiết nghĩ cả ngành và Hiệp hội nên có chương trình kêu gọi khuyến khích, thúc đẩy các DN trong ngành có sự ý thức cao hơn các vấn đề trên để sớm nâng tầm con tôm nói riêng, thủy sản nói chung trên thương trường quốc tế.

 

“Có thể nhìn thấy một điểm sáng ở vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của cả nước - Sóc Trăng, là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta - FIMEX VN). Nhờ ý thức ngay từ đầu những nội dung trên, FIMEX VN đang thu được kết quả. Năm 2020, Sao Ta đã nhận bằng khen do đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động ”Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2016-2020. Tôm FIMEXVN đã nằm trong sản phẩm mang thương hiệu quốc gia do Bộ Công Thương công bố ngày 25/11/2020. Hơn nữa, công ty cũng nằm trong top 100 doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do VCCI chọn lựa và công bố đầu tháng 12/2020. Sao Ta đã tận dụng thời gian nỗ lực hoàn thiện mình hơn, để có một nền tảng xuất phát mạnh mẽ hơn hậu Covid-19 và tăng sức thuyết phục người tiêu dùng thông qua các công việc cụ thể, tốt đẹp mình đã thực thi…”

 

 

Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

 

(Theo vasep.com.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.