bg-mot-goc-nhin-

CÓ NÊN LẬP VIỆN TRÀO PHÚNG?
Giải buồn những ngày dài Covid!


Coi các phim về Bao Công, dù Trung Quốc, Hồng Kông hay Đài Loan sản xuất đều hay có câu Dưới chân thiên tử… Ý nghĩa gần nơi “sáng” nhất, các hành vi tiêu cực sẽ ít nhất. Câu này đi vào cuộc sống, được thốt lên khi thấy ngay tại những trung tâm lớn xảy ra những vụ vi phạm pháp luật hoặc chuyện nghịch lý thái quá!

Xem TV ngày 9/8/2021 thấy cảnh thủ đô bị ùng tắc giao thông vì kiểm tra thủ tục đi đường nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Sau đó, cảnh một công nhân vệ sinh “than” là 5 giờ sáng phải đi làm, chiều hôm trước phải xếp hàng ở phường để xin con dấu sáng hôm sau mới có thể ra đường lo chuyện làm sạch cho mọi người. Dù lãnh đạo thành phố đã thấy ngay bất hợp lý và có thông báo điều chỉnh các quy định trước đó nhưng qua vụ việc này cho thấy tính máy móc, vô cảm của một bộ phận không nhỏ quan chức các cấp. “Dưới chân thiên tử” còn có chuyện “nực cười” khiến tôi chợt “nhẹ lòng” cảm thông với chính quyền các huyện, thị tỉnh tôi thực thi một quy định từ trên mà mỗi nơi một phách, thậm chí còn “đá” nhau!


Azit Nexin ở xứ sở Thổ Nhĩ Kỳ có quyển tập truyện trào phúng Những người thích đùa. Những chuyện trái khoáy trong xã hội xứ Thổ được ông ta viết theo thể đả kích, châm biếm, hài hước, mỉa mai khiến quyển sách vô cùng nổi tiếng và chúng ta đã có bản tiếng Việt quyển sách này và được người đọc đón nhận khá nhiệt liệt. Lướt qua những truyện ngắn trong quyển sách này sẽ thấy có sự “liên thông” với bối cảnh nước ta mấy chục năm trước và có truyện còn mang tính thời sự đương đại. Trở lại với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có rất nhiều luật để điều hướng, điều chỉnh các hoạt động trong đời sống xã hội. Nhưng việc thực thi luật rất chậm vì tính “bao quát” của luật, phải đợi tới khi các nghị định ra đời hướng dẫn thì mới áp dụng luật được. Việc triển khai luật chậm đồng thời giai đoạn xây dựng luật cũng chưa tổng hợp toàn diện những phát sinh xảy ra thường xuyên, cho nên luật của chúng ta đến khi thực thi thì không ít luật đi sau cuộc sống, khiến luật vừa hiệu lực là cần chỉnh sửa, bổ sung… Tình trạng trái khoáy từ hệ thống làm luật, từ việc thực thi thờ ơ ở nhiều cấp, kể cả cấp cao, khiến cấp cơ sở biết đâu mà lần! Riết dẫn đến tình trạng coi nhẹ trách nhiệm bởi nêu cao trách nhiệm có thể dẫn đến cái sai sót càng lớn, riết rồi dẫn đến tính thừa hành máy móc, không quan tâm những thể chế, quy định mình vừa ban hành có khả thi hay không, có gây ra ách tắc hay không, như hình ảnh “dưới chân thiên tử” nêu ra ở đầu bài viết này.


Azit Nexin chắc phải thâm nhập thực tế không ít mới đủ thông tin hình thành quyển sách nổi tiếng. “Ai cũng biết, cười sẽ khiến tâm trạng vui vẻ sảng khoái, nhưng ngoài ra nó còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe mà ít người biết đến. Theo tạp chí Discovery, cười sẽ làm tăng chức năng hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp, kích thích hoạt động của các cơ quan nội tạng, và giảm đau”, tôi copy đoạn này trên trang mạng. Truyện trào phúng tạo ra tiếng cười dòn và dài, lợi ích nhiều lắm, tiếng cười tạo ra lợi ích như vậy nên ông bà ta mới có câu Một tiếng cười hơn mười thang thuốc bổ. Cho nên công lao của Azit Nexin là không nhỏ. Ở đây không bàn sâu sự thành công của Nexin, chỉ muốn qua câu chuyện này rút ra điều hay nên làm. Chuyện trái khoáy trong xã hội mình nhiều lắm, mà một bộ phận không nhỏ quan chức là người có ý tưởng tạo nên sự thể này. Nhìn góc độ tích cực, bộ phận quan chức này sẽ tạo ra lợi ích xã hội nếu chúng ta biết nắm ấy cơ hội. Bởi những chuyện trái khoáy đó là nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú để một nhà văn nào đó có óc hài hước “nhào nặn” thành nhiều truyện trào phúng, thành nhiều quyển sách trào phúng có thể hơn hẳn quyển sách đang nổi tiếng của xứ Thổ. Chúng ta có rất nhiều Viện nghiên cứu như Viện Xã hội học, Tâm lý học, Văn học, Ngôn ngữ học, Nghiên cứu văn hóa…., theo tôi nên chăng lập thêm Viện Trào phúng, nhằm nghiên cứu tổng hợp, gìn giữ và phát huy thành quả trào phúng vô cùng to lớn, vô cùng phong phú và vô cùng lợi ích của chúng ta. Và nhất là “dòng chảy” chuyện trào phúng nước ta còn sinh sôi nẩy nở liên tục. Nhân sự Viện rất dễ tìm, bởi một bộ phận quan chức máy móc, vô cảm sẽ là những thành viên sáng lập Viện và họ sẽ “tích cực đóng góp” vào hoạt động của Viện thông qua các hành xử hàng ngày của các vị đó trên chức trách của từng người. Điều Viện cần làm là thu hút, tập họp các cây viết trào phúng về làm cộng tác viên cho Viện. Lúc đó, hàng tháng Viện có thể xuất bản một tập truyện trào phúng, thậm chí có nhiều bài viết quá thì nửa tháng xuất bản một lần, như Tuổi Trẻ Cười. Chắc chắn sẽ thu hút độc giả, dư sức có nguồn thu để “truyền” cảm hứng cho các bên liên quan. Rồi sách sẽ được dịch phổ biến trên thế giới như sách của Azit Nexin. Nguồn thu của Viện sẽ nhiều, nhưng đó không phải là mục tiêu chính. Sự “lan tỏa” tiếng cười của các quyển sách sẽ nâng tầm sinh khí, thậm chí nâng tầm sảng khoái dẫn tới lạc quan của dân ta. Lợi ích khó đếm xuể. Và biết đâu, qua diễn biến này, dân ta có thể có những tác phẩm xuất sắc hơn hẳn Những người thích đùa. Lúc đó ngài Azit Nexin biết đâu cũng phải thốt lên “Hậu sinh khả úy, khả úy!” khi nghe tên những cây bút trào phúng của ta.


Từ một bản tin nhỏ trên TV, nhưng do đầu óc tôi hay mày mò cơ hội kinh doanh, như là bản tính một người chuyên mua bán! Để đêm bỗng tìm ra cơ hội trong mơ, sáng ghi lại. Nhớ câu mọi sự vật, hiện tượng đều có hai mặt. Mặt tích cực của bộ phận quan chức vô cảm đã được tôi “nhận diện”, và hơn nữa tôi còn bày ra cách “phát huy” yếu tố tích cực này. Nhưng biết đâu Viện Trào phúng đã có chủ trương hình thành nhưng chưa kịp ra mắt, chưa kịp công bố bởi còn vướng nhiều thủ tục bởi tính vô cảm của quan chức thẩm duyệt. Bởi tôi cũng biết nước ta có rất nhiều nhà nghiên cứu ở mọi lĩnh vực cuộc sống và có lòng tin trong đó không ít nhà nghiên cứu tâm huyết tới dòng văn học trào phúng cực kỳ phong phú trong cuộc sống vốn vô cùng phong phú đã và đang diễn ra.


Tháng 8/2021
   CULOH