bg-mot-goc-nhin-


         Nội ô tỉnh lỵ tôi không lớn. Cho nên những chuyện khá phổ biến là mọi người có thể ghi nhận được thông tin ngay, từ nhiều nguồn. Nếu trên chục năm trước, quán bia ôm là đề tài khá nóng. Sau đó, rút gọn, quán bia (nhậu thôi, không ôm) trở thành thời thượng, nhất là quán bia sân vườn. Quán mở cửa quá nửa đêm để đáp ứng nhu cầu đa dạng, chủ yếu giới trẻ. Có lúc, theo thống kê tiêu thụ chất có cồn, tỉnh tôi là “bợm” của miền Tây này. Hai năm dịch bệnh, quán bia yên ắng. Bây giờ, cái phổ biến đập vào mắt người dân là sao tiệm thuốc tây nhiều quá.

         Có câu Mùa nào thức ấy, ý nói sử dụng rau trái đúng mùa mới ngon, và chắc chắn tốt cho sức khỏe chúng ta hơn. Các “thức” nói trên đã xuất hiện và tồn tại lâu dài đâu hẳn từ “mùa”. Nó, không thể nói là chuyện đơn giản, chuyện bình thường trong xã hội. Nó xuất hiện để khai phá nhu cầu và chiều ngược lại, khai phá hữu hiệu, nhu cầu tăng khiến sự kiện đó bùng phát. Tác động của nó không nhỏ. Có lúc rộ tin đồn, Việt kiều không cho chồng về nước vì sợ bia ôm bắt mất ngưởi! Rồi theo thời gian, bia ôm cũng phôi pha như chỉ là hiện tượng của phong trào! Hay nó đã biến tướng kín đáo như con virus corona có biến thể! Nhưng chuyện nhậu lại dai dẳng, chỉ thấy chiều tăng trưởng! Hậu quả là hãng bia hốt bạc và bệnh viện thêm bệnh nhân, thúc đẩy nhanh việc quá tải. Góc độ tích cực, chỉ có Covid-19 mới làm giảm và giảm rất mạnh hoạt động các quán bia và hãng bia. Tiếc là bệnh viện giảm bệnh nhân khoa này lại tăng công việc khoa khác! Hai năm qua, tiệm thuốc tây lặng lẽ trương bảng hiệu, tông màu bảng hiệu các tiệm thuốc tây khá tương đồng, dễ nhận ra từ xa. Nội ô tỉnh lỵ đâu lớn, có giao lộ trong phạm vi bán kính 20m có 4 tiệm thuốc tây, có quãng đường khoảng 100m cũng có số tiệm tương tự. Nội ô, coi lại gần như đường nào cũng có tiệm thuốc tây, không lớn thì nhỏ.
         Vì đâu sao có quá nhiều tiệm thuốc tây? Lý thuyết, nhiều tiệm quá sẽ có thừa công suất, lãng phí, chủ đầu tư lỗ lã. Nói vậy, có khi đúng, cũng có khi không phải vậy. Có chuyện đi ngang qua, tiệm nào cũng có khách. Suy ra, lúc này nhu cầu sử dụng thuốc tây tăng lên hoặc bệnh nhân nhiều hơn. Nghĩ cũng đúng, có nhiều nguyên nhân. Trước tiên, do đi lại khó khăn, một số bệnh nhân định kỳ lên tái khám trên Sài Gòn hoặc có bệnh muốn lên Sài Gòn khám bệnh, nay theo toa cũ mua thuốc uống cầm cự hoặc khám bệnh tại địa phương. Thứ hai, tâm lý người dân âu lo dịch bệnh nên mua thêm một số thuốc dự phòng. Thứ ba, có thể người dân bị các bệnh thông thường tăng lên, căn bản từ quá lo lắng tình hình dịch bệnh và từ khó khăn trong cuộc sống. Thứ tư, bây giờ lúc giao mùa, thời tiết thất thường chắc có tác động sức khỏe người cao tuổi lẫn trẻ nhỏ… Vậy là mở các tiệm thuốc tây, do các nhà đầu tư “thấy” cơ hội kinh doanh từ Covid-19. Mở nhiều tiệm, chắc cho rằng tình hình Covid-19 sẽ còn kéo dài. Bởi Covid-19 chấm dứt sớm, các tiệm thuốc tây sẽ giảm ít ra một phần ba khách hàng ngay. Nhưng cũng nghĩ cho sâu xa, bây giờ mọi nguồn thực phẩm đều có “chuyện” để nói, để bàn và để tránh. Từ con cá dưới nước tới heo gà trên bờ đều có sử dụng thuốc trong thức ăn nhằm phòng chống bệnh. Rau các loại phải có thuốc sâu thì lá mới lành, mới mơn mởn, thu hút người mua. Trái phải bảo vệ từ nhỏ bằng bọc. Nếu bọc làm tăng chi phí, lại sử dụng thuốc trừ sâu phòng chống sự tấn công của các loại côn trùng. Thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, dù đang được cổ vũ, nhưng chưa phủ nhiều. Vả lại, thu nhập người lao động có hạn, họ không có nhiều lựa chọn. Người ta, hàng ngày đều “vô thuốc” cho cơ thể thông qua thực phẩm. Thuốc này gây ảnh hưởng không tốt sức khỏe, tác động xấu tới nội tạng và sức đề kháng của cơ thể. Vậy là dân ta lại vô tiệm thuốc tây mua thuốc để trị bệnh cũng do “thuốc” mà ra.  Tình trạng kiểm soát thực phẩm bẩn còn có hạn, chưa quyết liệt thì các tiệm thuốc tây cũng chẳng lo Covid-19 tàn lụi lúc nào!
         Các nước tiên tiến kiểm soát được các mối nguy cho sức khỏe người dân, nên chỉ được phép mở tiệm thuốc tây để đáp ứng, phục vụ từng khu vực cho bao nhiêu dân. Nếu khu vực đó đã có tiệm thuốc rồi, thì không thể mở thêm. Tình trạng trạm xăng cũng theo cách kiểm soát như vậy. Còn chúng ta, thêm tiệm thuốc tây là cơ hội để người dân được phục vụ chu đáo hơn, giá phải chăng hơn. Lý thuyết là vậy, trong giai đoạn mọi sự đổ đầu Covid-19 này, tôi có biên nhận mua thuốc y như nhau, cách nhau 3 tuần, tại cùng một tiệm. Giá lần sau luôn có tăng so lần trước, tuy không lớn lắm. Có lẽ do vận chuyển khó khăn từ dịch bệnh hay tát nước theo mưa! Cũng nói thêm, giai đoạn này mua thuốc cũng tốn thời gian hơn, không phải do thực thi 5K, mà do người đến mua thuốc đông đảo.
         Tiệm thuốc tây nhiều, trong tôi cảm xúc trái ngược. Sẽ thuận tiện hơn nếu đi mua thuốc từ đây. Nhưng tôi không quan tâm “ích lợi” này, tôi coi đó là chỉ dấu tình hình chăm lo sức khỏe người dân về chiều sâu còn đang ở trạng thái xấu và sự cải thiện, dù lý thuyết có nhiều cố gắng, nhưng kết quả hết sức chậm chạp. Tóm lại, là một điều đáng quan ngại hơn là lợi ích mang lại.
         Tháng 10/2021
         CULOH