(vasep.com.vn) COVID-19 đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn lao vì tác hại nó đã gây ra cho thế giới. Tuy nhiên, bây giờ thế giới sống chung với nó, góc độ nào đó cho thấy chúng ta không còn sợ nó. Nhưng dù nó ra sao, chúng ta cũng không sao nhãng, mà biết cách ứng phó linh hoạt, chu toàn cuộc sống của mình trong hoàn cảnh đầy biến động và không ít bất ngờ, rủi ro này. Ngành tôm đã trong tâm thế đó.
Theo tình cảnh, việc ai nấy lo. Người nuôi tôm cũng vậy. Nửa cuối năm trước, 2021, COVID-19 bùng phát căng thẳng, tác động to lớn tới tình cảnh chung trong đó có tình cảnh nuôi tôm ở miền Tây. Khó khăn trong thông thương, khiến vật tư đầu vào cho nuôi tôm không ổn thỏa. Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm bị thu hẹp vì phải thực hiện sản xuất ba tại chỗ khiến nhu cầu tôm thương phẩm không cao cộng với chi phí thuê container rỗng giao hàng tới các thị trường tiêu thụ tăng cao… tạo áp lực quá mạnh đẩy giá tôm nguyên liệu xuống thấp. Các khó khăn đã làm chùn tay người nuôi tôm, diện tích thả giống vụ hai năm 2021 bị giảm nhiều. Quý 4 năm rồi COVID-19 không còn ở cao điểm, hoạt động các DN chế biến từng bước hồi phục, nhu cầu tôm nguyên liệu tăng lên và song hành là giá cũng đang rất cao, còn cao hơn so với đầu năm khi chưa phát dịch lần thứ 4. Giá này rất tốt cho người nuôi, khả năng còn giữ vững đến cuối quý 1 năm 2022.

 

Người nuôi tôm cảm nhận được cơ hội này. Cái hay là cảm nhận khá sớm và kịp thời. Cái may là thời tiết không quá bất lợi, mưa trung bình dứt sớm và dự báo đầu năm nay không lạnh lắm. Tôm đã có thả nuôi ngay trong cuối quý 3 và thả sớm ngay cuối năm 2021. Minh chứng, một DN có vốn đầu tư nước ngoài, khá tiếng tăm chuyên cung ứng cho biết năm 2021 dù khó khăn trong thả nuôi tôm như nói trên, nhưng tiêu thụ con giống tăng trưởng khoảng 15% và thức ăn tăng khoảng 25% so năm 2020. Và tin đáng quan tâm hơn là ao nuôi theo mô hình và quy trình khá nổi tiếng của họ tăng khoảng 15%, từ 30.000 ao lên khoảng 35.000 ao. Mô hình và quy trình nuôi này là sự liên kết đại lý, ngân hàng thương mại, kỹ thuật từ nhà cung ứng và hộ nuôi, cũng là một giải pháp tích cực củng cố hộ nuôi, thể hiện rõ nét sau ba năm thực hiện. Góc tích cực của câu chuyện này là các tháng cuối năm 2021, các DN chế biến tôm có thêm nguyên liệu, góp phần làm tăng sản lượng cung ứng theo hợp đồng. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu tôm đã về đích kịp thời những ngày cuối năm.20220118094740120xuan-ve-va-vu-tom-den-som--1601-1

Theo dự báo, năm 2022 LaNina có xuất hiện vùng bắc bán cầu, nhưng xoay quanh vùng đông bắc Á. Nhờ đó thời tiết miền Tây sẽ không quá lạnh ở đầu năm nay. Như vậy, việc thả nuôi sớm sẽ giảm thiểu rủi ro khách quan và sẽ tranh thủ được giá tôm còn đang tốt. Thông lệ, các tỉnh bắc sông Hậu sẽ xuống giống sớm, là Bến Tre và Trà Vinh. Kế tiếp, thông thường sau tết Nguyên đán là các tỉnh nam sông Hậu. Việc thả tôm rải vụ này có cái hay là không gây ứ đọng khi thu hoạch, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và khó khăn cho các DN chế biến.

Song song tình hình phát triển nuôi tôm, chắc chắn các DN chuyên cung ứng đầu vào sẽ có kế hoạch mở rộng và đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu người nuôi. Khâu chế biến cũng có chuyển động đáng kể. Hai năm qua nhiều DN đã đầu tư mở rộng công suất hoặc xây thêm nhà máy mới, đã có thông tin. Ở đây ghi nhận thông tin gần nhất. Sóc Trăng sẽ có hai nhà máy chế biến mới trong Khu công nghiệp An Nghiệp, là tài sản đầu tư từ hai DN tôm là Sao Ta và Khang An. Khu công nghiệp Khánh An ở U minh, Cà Mau có hai nhà máy chế biến tiến hành khởi công trực thuộc Minh Phú. Công suất chung các nhà máy này có thể chế biến một trăm ngàn tấn tôm thương phẩm trong năm, sẽ giảm thiểu chuyện đùng ứ sản phẩm tôm, là điểm tích cực so một số nông sản chưa có hoạch định căn cơ.

Lĩnh vực nông phẩm rất bấp bênh giá cả. Nguyên nhân do chưa kiểm soát tốt hơn cung cầu, thậm chí độ đồng đều chất lượng sản phẩm. Cây trồng va vấp nhiều phen và còn kéo dài. Vật nuôi trên bờ cũng xảy ra tình trạng mất cân đối, như có lúc giá thịt heo cao ngất ngưởng, có lúc thịt gà hơi mỗi kg không bằng giá một ly cà phê. Vật nuôi dưới nước cũng không ngoại lệ. Cá tra, tôm hùm bao bận lao đao… Nhưng chỉ có con tôm là ít phen rơi vào tình cảnh khủng hoảng nhất. Chuỗi giá trị con tôm giữ vững với các mắt xích ngày càng mạnh mẽ. Có lẽ do sức cầu thế giới còn cao, sức cung không vượt ngưỡng và ít có sản phẩm thay thế. Mặt khác, tôm là một nguồn thực phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên sức thu hút người tiêu dùng luôn có xu hướng tăng tốc độ tốt. Tôm là thế mạnh một số địa phương ở miền Tây nước ta. Con tôm nuôi sống hàng triệu nông hộ và hàng trăm ngàn công nhân các DN chế biến và các cơ sở cung ứng dịch vụ đi kèm. Do vậy, nước ta con tôm là vật nuôi được quan tâm khá cao. Từ đó, mỗi mùa tôm đều có sự tác động tới bối cảnh chung cho các bên tham gia, mùa tôm chính năm nay không ngoại lệ.

Vụ tôm đến sớm, hy vọng là vụ tôm có vị ngọt, trước tiên là vị ngọt cho các người nuôi, vất vả một nắng hai sương bám sát ao tôm suốt tiến trình nuôi. Ngọt ở đây hiểu là trúng mùa và được giá. Nền tảng đã có như phân tích trên. Vị ngọt còn lại là các nhà cung ứng vật tư đầu vào và các DN chế biến. Mùa tôm trúng ai cũng có phần lợi như tiêu thụ tốt sản phẩm cung ứng hoặc có đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất hàng ngày. Nói đi cũng nên nói lại cho tròn câu chuyện. Đến hẹn lại lên, cứ năm nào tình hình cho thấy nuôi tăng trưởng, trước khi vào vụ nuôi các nhà cung ứng đầu vào đều có thông báo vật tư đầu vào tăng giá! Bối cảnh vừa bước một chân ra khỏi khó khăn của người nuôi hiện nay, mong các mắt xích cung ứng ít nhiều có tinh thần tương trợ nhau, chia sẻ nhau lúc ngặt nghèo này để “dìu” nhau cùng tồn tại và đi lên. Bởi đã là mắt xích, là chuỗi thì không ai tồn tại và phát triển đơn độc được.

Xuân về, hy vọng tôm Việt sẽ “vào Xuân” đúng nghĩa, góp phần khiêm tốn vào sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp và góp phần phục hồi và phát triển bền vững đất nước.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

 

(Theo vasep.com.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.