(vasep.com.vn) Nghe tin phong phanh đồng bằng sắp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg (CT16) của Chính phủ hai tuần, tôi vội đi hớt tóc, còn nói tay thợ là hớt cho cao hơn bình thường. Tôi dự phòng chuyện CT16 kéo dài. Liệu tính không sai, tính ra tôi đã hạn chế ra đường hơn tháng. Việc kéo dài thời gian phong toả nhằm giữ vững thành quả phòng chống dịch trước đó. Tóc tôi dài ra hơn bình thường chưa thể trở lại “bình thường” vì thợ cắt tóc chưa được phép hành nghề!
Tóc dài ra, thời tiết nóng, dễ đổ mồ hôi, khiến tôi phải gội nhiều hơn, chút bực bội. Một chuyện nhỏ bị thay đổi cũng có thể khiến người ta giảm thoải mái. Nhìn rộng ra, hoàn cảnh chung hiện nay, bao người ngồi bó gối, căng thẳng âu lo bởi cuộc sống thường ngày bị đảo lộn kéo dài. Gia đình khốn khó hơn khi có người vướng dịch bệnh phải lo lắng nhiều hơn. Nhà nào kha khá còn có của dự phòng cũng có chút nhẹ lòng đợi dịch đi qua. Nhà nào kiếm ăn từng bữa, quả là nan giải, trông chờ sự cứu trợ của chính quyền địa phương và người hảo tâm…

Sự đảo lộn quá lớn lao theo hướng khó khăn chồng chất khó khăn. Chuyện tóc dài của tôi nhỏ như hạt cát trong sa mạc, nhắc chi! Nhắc để dẫn đề câu chuyện chớ không phải là chuyện nên nói trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này. Trên chỉ là một số chuyện ngoài chợ. Còn trong quê cũng có những chuyện không phải là vấn đề nhỏ, quá nhiều chuyện luôn. Quanh năm, dân quê sống nhờ cây trồng, vật nuôi. Lúc này đang mùa thu hoạch nhiều thứ từ cây trái, lúa rau đến cá tôm… Dịch bùng phát, phong toả, khiến chuyện sản xuất, cung ứng vật tư, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ đều có cái khó. Lúa chín đầy đồng, tôm cá đầy ao… mọi khi thương lái đã tìm đến và thu mua, nay gặp những khó khăn trên, ít nhiều dồn ứ, hậu quả phải bán bằng mọi giá. Dẫu sao tiêu thụ được là kịp thời… cắt lỗ, mừng ra mặt mà rầu trong bụng! Covid-19 gây hậu quả khó lường.

Con đường tôi đi làm hàng ngày, hơn tháng rồi vắng lặng, nhà nhà khép kín im lìm. Như là đường phố dậy muộn sáng cuối tuần các nước tiên tiến! Một hình ảnh hiếm hoi xảy ra. Hàng quán đều đóng cửa, tôi ngán quá mì gói, thức sớm tới lò bánh mì, ngày được ngày không, quay về mì gói. Chắc chuyện này là phổ biến nên nước ta giữ vững cường quốc sản xuất, tiêu thụ mì gói, lên hạng thứ ba thế giới! Mấy hãng mì tha hồ hốt bạc! Mấy bạn cùng thời, ở không, điện thăm hỏi nhau, câu cuối y chang là một, hẹn hết dịch gặp nhau quán cà phê! Tay kỹ hơn, biết ngày hết hạn thực hiện CT16, hẹn ngày cụ thể! Lỡ hẹn hai lần rồi. Không có cà phê trái đất vẫn xoay, người ta vẫn tỉnh táo, vẫn minh mẫn; nhưng không gian và âm thanh quán cà phê đã trở thành một góc nhỏ của lẽ sống, có nó thấy đời như có thêm chút vui vẻ hơn! “Chiến hữu” chiều cuối tuần chắc “ngáp lên ngáp xuống” vì không được hồ hởi ồn ào trong bàn bia, không còn cảm giác ngây ngất ly bia lạnh đầu tiên của buổi chung vui! Có buồn thì tự sướng một mình trong nhà, mà có chút luyến tiếc những ngày bình thường đã qua.

Hãng chế biến tôm tôi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong hai tuần. Mất trước đó một tuần chuẩn bị. Hãng tận dụng mọi chỗ trống; chỗ đẹp ưu tiên phụ nữ; nam chia nhau nền sàn. Chia sẻ ngọt bùi, 2 tuần cũng trôi qua. Lao động tham gia gần 40%, kể cả khối gián tiếp. Sản phẩm chỉ đạt 25-30% so bình thường, một phần do đội ngũ là sự gom chung nhân lực nhiều xưởng về chế biến một xưởng, một số kỹ năng chưa thành thục, năng suất không cao được. Ai cũng trông mong ngày kết thúc, kết quả là thêm 2 tuần gia hạn! Phí tổn tăng khá nhiều, chế biến cách này không có hiệu quả. Không làm, người khó khăn tăng thêm; không làm, người nuôi tôm biết bán đâu; không làm, đối tác bắt đền bù hợp đồng sẽ ra sao! Bao chuyện, bao vấn đề, câu trả lời là nhớ quá bình thường!

Thế giới đã tuyên bố con đường ngắn nhất tới bình thường là vaccine. May mắn thay, nước mình có những nhà khoa học thực tài, qua đó nước ta có tên trong nhóm hơn chục quốc gia đi đầu sản xuất vaccine. Hy vọng ngay trong năm nay, dân ta sẽ có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Theo thông tin từ các lãnh đạo quốc gia thì điều này sẽ khả thi. Nghĩ rộng một chút, bối cảnh thế giới lao đao vì giặc dịch, nó tấn công không kiêng dè quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Cứ đà này thế giới sẽ lao đầu xuống dốc không phanh!

Cả thế giới xoay sở, chật vật gần 2 năm với nỗ lực làm thay đổi cục diện tình hình, từ đó để thấy công lao của những nhà khoa học, nhất là những người đi đầu trong nghiên cứu ra vaccine. Họ nên được tôn vinh là những nhà anh hùng, không phải cứu riêng ai, mà cả thế giới. Nhưng vaccine cũng không phải phép thần, chỉ ngăn chặn chớ không thể tiêu diệt dứt điểm covid, cho nên nếu mai này trở lại bình thường thì cái bình thường này không như bình thường cũ. Nó là bình thường mới, bằng bình thường cũ cộng thêm các giải pháp phòng ngừa dịch tái diễn và sẽ diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều sự thay đổi trong hành vi, trong tái cấu trúc hoạt động xã hội, trong sự nâng cao tính thích nghi của con người…

Nói gọn, chắc ai cũng mong muốn thế giới trở lại bình thường. Từ người giàu người nghèo, người cao người thấp, già trẻ, nam nữ, tôn giáo, quốc tịch… ai cũng ao ước như vậy. Đó trở thành mong muốn lớn lao chớ không phải đơn giản. Cho nên tôi có càm ràm nhớ lắm bình thường cũng là điều bình thường. Ao ước, mong muốn là cái quyền của mọi người. Nhưng chờ đợi phép thần, chờ đợi đủ vaccine không thôi cũng chưa ổn. Đó chỉ là điều cần thiết, nhưng phải thêm yếu tố chủ quan là thái độ ứng xử tự giác của mọi người thì bình thường mới trở lại sớm hơn, bền lâu hơn. Thái độ ứng xử tự giác đó là sự đồng lòng, chung tay thực thi tốt nhất những giải pháp phòng chống dịch và không có hành vi làm ngược lại các quy định này. Thái độ ứng xử này duy trì trong lâu dài, đó là một phần nhỏ trong yếu tố thay đổi hành vi khi có bình thường mới.

Nhớ lắm bình thường! Bây giờ thành nỗi nhớ chung của cả cộng đồng. Một ước mơ đơn sơ nhưng có được phải tốn biết bao công sức vẫn chưa chắc chắn khi nào bình thường lại về! Mà cũng nói cho tròn, mọi sự vật có hai mặt; khi bình thường trở lại cũng là lúc thời vàng son của một số lĩnh vực, một số người sẽ giảm hoặc mất đi. Thí dụ thôi chớ không hiềm khích gì ai, như mấy người đang làm giàu nhờ vaccine, mấy tay chủ hãng mì gói nói trên…, thậm chí cả mấy tay chuyên bán áo quan!

Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

(Theo vasep.com.vn)

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.