Trước tiên phân tích điểm mạnh yếu, chủ quan lẫn khách quan đã diễn ra trong môi trường ngành tôm Việt và thế giới.

 

Điểm mạnh (Strength)

- Với chính sách hữu hiệu phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo từ Chính phủ, Việt Nam trở thành đối tác nghĩ đến hàng đầu của các nhà nhập khẩu.

- Kinh nghiệm, kiến thức về nuôi tôm của Việt Nam  ngày càng cao.

- Các sản phẩm tiện dụng, ăn liền từ tôm, đóng gói nhỏ tiêu thụ tốt ở hệ thống bán lẻ, siêu thị.

Điểm yếu (Weakness)

- Chương trình Vaccine chưa được tiêm ngừa đại trà, sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, tâm lý chủ quan quá mức của một bộ phận nhỏ người dân sau mỗi làn sóng dịch luôn tìềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Đáng nói là sau mỗi đợt bùng phát, quy mô và tốc độ lây lan lần sau luôn cao hơn lần trước.

- Ngành chế biến tôm luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. COVID-19 làm cho sự thiếu hụt càng trầm trọng.

Cơ hội (Opportunity)

 - Ấn Độ, Indonesia là những nước nuôi tôm lớn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn.

- Thời tiết Việt Nam năm nay khá thuận lợi cho nuôi tôm.

- Nhiều nước đã tiêm vaccine diện rộng và đang dần khôi phục kinh tế, nhu cầu thực phẩm xu thế tăng.

-Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu.(*)

Thách thức (Threat)

- Diễn biến COVID-19 phức tạp và khó lường.

- Chi phí đầu vào cho nuôi và chế biến tôm tăng cao. Tình trạng thiếu container và cước tàu vận chuyển quốc tế còn tăng nóng.

- Thời gian thông quan nước nhập khẩu cũng lâu hơn trước khi xảy ra dịch.

 

(*): Trích từ bài Kinh doanh của Sao Ta thời Covid-19, tác giả Triệu Mai Lan, đăng trong web này.

           Những phân tích trên đã được minh chứng khá sinh động qua thực tế:

+ Cái khó bám riết ngành tôm. Lĩnh vực nuôi mọi thứ đầu vào đều tăng giá, nhất là thức ăn. Lĩnh vực chế biến xuất khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự, nổi cộm nhất là giá thuê container lạnh tăng quá cao, thậm chí tăng hơn 5 lần bình thường (tuyến đi EU), gây mất mát không nhỏ cho các doanh nghiệp tôm.

+ Vụ nuôi chính đã có kết quả khả quan. Tuy đầu vào tăng nhưng hộ nuôi có lãi do giá tôm tốt và năng suất khá. Thời tiết thuận lợi đã góp phần đáng kể tạo nên niềm vui cho bao người vất vả nuôi tôm.

+ Tiêu thụ ổn, phần nào do thiếu hụt nguồn tôm từ Ấn Độ, nhất là tôm cỡ lớn. Kim ngạch xuất khẩu ngành tôm dự kiến tăng khoảng 15% so năm rồi. Con số khá đẹp và ấn tượng. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường hàng đầu, tiếp theo là EU, Nhật Bản... Nhìn chung cơ cấu thị trường không có biến động đáng kể.

+ Sự bùng phát Covid-19 tác động không nhỏ mọi miền đất nước. Nam Bộ bị ảnh hưởng nhẹ hơn. Ngành tôm tập trung ở đây. Cái nhìn chung là ngành tôm may mắn và có nhiều nỗ lực phòng chống dịch, nhất là trong các cơ sở chế biến nên tạm ổn. Nói rộng hơn, ngành tôm hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển ngành.

thu-hoach-tom

        Tổng quan 06 tháng đầu năm, bức tranh ngành tôm có gam màu khá sáng. Trong đó điểm nổi bật là phòng chống dịch tốt và đạt tỉ lệ tăng trưởng cao. Trên nền tảng khá tốt này, tin tưởng người nuôi tôm sẽ an tâm thả nuôi vụ hai vì giá tôm đang tốt. Qua đó, các cơ sở chế biến có thêm nguyên liệu để thêm các đơn hàng xuất khẩu và năm nay ngành tôm sẽ cán mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

       Ngoài ra, ngành tôm cũng có sự chuẩn bị khá tốt cho bước tăng trường mạnh mẽ sau dịch như cơ sở chế biến được xây thêm hoặc mở rộng công suất. Các cơ sở cung ứng trong chuỗi giá trị con tôm cũng phát triển khá đồng bộ. Tồn đọng lớn là (1) việc đánh mã số cơ sở nuôi tôm còn quá chậm, gây khó khăn cho việc báo cáo nguồn gốc lô hàng tới khách hàng nước ngoài; (2) còn quá ít cơ sở nuôi đạt các chuẩn quốc tế như ASC, BAP nhằm chinh phục các hệ thống tiêu thụ cao cấp, nâng tầm tôm Việt; (3) cần có chính sách đất đai mạnh mẽ để hình thành các trang trại nuôi lớn. Chỉ trang trại nuôi lớn mới có điều kiện đầu tư, triển khai các công nghệ nuôi tiên tiến làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho tôm Việt.

        Hồ Quốc Lực

 

 

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.