• Thực tế xuất khẩu và đối phó với khó khăn tại thị trường Mỹ những năm qua cho thấy vai trò của việc "buôn có bạn, bán có phường" ngày một quan trọng.
  • Ông Hồ Quốc Lực cho rằng người kinh doanh luôn có đối thủ trong và ngoài nước, nhưng trong bối cảnh mới, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp nội địa; kinh doanh bền vững, nhân văn cần được ưu tiên.

TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch VASEP

Trước những thách thức trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, đến từ đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (thành viên Tập đoàn PAN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - người đã có nhiều năm gắn bó với ngành, đã có chia sẻ về vai trò gắn kết của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thủy sản nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu. Người Đồng Hành giới thiệu tới bạn đọc bài viết (3 kỳ). Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

 

Kỳ III: Bài học và lời kết

Sản phẩm tôm bán vào Hoa Kỳ khá đa dạng, có những mặt hàng cao cấp như tôm ring, tôm luộc, tôm chiên, bao bột… vào các hệ thống phân phối lớn, nổi tiếng. Cá tra, chủ yếu là cá phi lê, lẻ loi về mẫu mã. Cá tra cũng có mặt hàng chế biến sâu hơn nhưng chưa nhiều. Kim ngạch xuất khẩu cá thị trường này chỉ phân nữa so tôm. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực đều có tầm vóc của nó, có tác động tới kinh tế xã hội không nhỏ, không thể coi nhẹ mảng nào. Bài học gì rút ra ở thị trường Hoa Kỳ sau diễn biến đã nêu ra cho cá tra lẫn con tôm của ta? Đây là câu hỏi khó, tồn tại lâu chưa có phản hồi tương xứng, hoàn chỉnh.

Vai trò của VASEP cực kỳ quan trọng. Buôn có bạn bán có phường, ở đây VASEP là "thủ lĩnh phường". VASEP chuẩn bị tốt nhân sự, chuẩn bị tốt chiến lược ở từng tình huống sẽ có kết quả tốt hơn. Dĩ nhiên sai sót, nếu có, sẽ tăng thêm kinh nghiệm, bản lĩnh về sau. Đó không phải là điều để hoài tưởng, phê phán. Ai mà không có sơ suất, sai sót?!

Tiếp đến là ý thức cộng đồng, chia sẻ của các doanh nghiệp tham gia từng vụ việc. Trong đó doanh nghiệp lớn có tác động, tầm ảnh hưởng lớn càng phải nên làm gương.

 

Bối cảnh kinh doanh mới tại thị trường Mỹ khiến bài học "buôn có bạn, bán có phường" càng trở nên quan trọng. Ảnh: Zing

Thực tế diễn ra suốt chặng đường dài từ khi có vụ kiên cá (6/2002) đến nay cho thấy VASEP luôn chủ động nỗ lực lo lắng, toan tính để hai vụ kiện cá, tôm đi vào con đường ít gập ghềnh nhất. Đã có kết quả khá khả quan về tổng thể, nên cá tôm ta còn bơi qua được biển Đông. Tuy nhiên, do là hai vụ kiện “tiên phong” chưa ai có kinh nghiệm nên cũng có sai sót không nhỏ xảy ra. Như phân tích, đây không là điều để phê phán. Có điều cần nói là sự tập hợp của các doanh nghiệp cá sau đợt xem xét hành chính thứ nhất (PR1) có kết quả không tốt. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp cá hầu như mạnh ai nấy lo, có kế hoạch riêng của mình trong ứng phó vụ kiện. Vai trò VASEP càng lúc càng lu mờ. Thiếu tính cộng đồng chia sẻ, và các doanh nghiệp cá luôn là đối thủ quyết liệt của nhau, dẫn đến phân hoá mạnh, dẫn đến thị trường Mỹ không có nhiều doanh nghiệp cá tham gia.

Riêng bên tôm, vai trò VASEP nổi bật hơn. Có lẽ các đời chủ tịch VASEP đều là người điều hành doanh nghiệp tôm, nên thấu hiểu hoàn cảnh hơn, lo lắng tốt hơn và nhất là càng về sau càng biết rút kinh nghiệm. Suốt chặng đường cam ro, từ khi khởi đầu vụ kiện (12/2003) đến nay, các doanh nghiệp thể hiện sự đoàn kết trong việc thực hiện các chủ trương VASEP nêu ra và đã được bàn luận thống nhất. Sự điều hành khá công tâm và đúng đắn của VASEP trong thời gian dài đã có tác động tới tính cộng đồng, ý thức chia sẻ khó khăn chung để cùng nhau tồn tại của số đông doanh nghiệp tôm tham gia thị trường Mỹ. Tôi chỉ nói ý thức của số đông, chứ không phải là tất cả.

Thương trường là chiến trường. Trên chiến trường mọi đối thủ là “kẻ địch”, dù đó là đối thủ nào, gần xa, ngoài nước trong nước. Bản chất thương trường là vậy. Các doanh nghiệp cá, tôm ta đâu ai làm gì sai? Bản chất của thương nhân tham gia thương trường là kiếm tiền. Chắc chắn như vậy. Nhưng điều đáng suy nghĩ trong thời buổi hiện nay là kiếm tiền cách nào nhiều nhưng bền vững và nhất là không gây tổn thương qua đáng người khác, không gây tổn hại môi trường. Có nghĩa đồng tiền có được, tốt hơn là nó phải sạch.

Nhu cầu con người đa dạng, theo tháp nhu cầu Maslow, có năm bậc. Bậc thấp được no ấm, an toàn; bậc cao là muốn được tôn trọng, vinh danh. Đó là lẽ thường. Người càng được đáp ứng nhu cầu mức cao chứng tỏ thành công trong sự nghiệp. Đó là cái nhiều người trong nhiều lĩnh vực phấn đấu vươn tới.

Quay lại chuyện tham gia thương trường để có tiền, có tiền chỉ mới tới bậc ba thôi. Muốn được quý trọng (bậc bốn) và muốn được công nhận là thành đạt (bậc năm) tưởng dễ mà không vậy. Bạn có tiền, học rộng nhà cao mà văn hóa “thấp” thì ai quý trọng? Bạn giàu nhưng đối xử xung quanh (đồng nghiệp, người lao động, cộng đồng…) không thân thiện, không chia sẻ... cũng không ai quan tâm tới bạn. Bạn làm ăn phát đạt nhưng đi liền là các “chiêu” sát hại đối thủ không nương tay cũng chỉ làm cho dư luận xã hội coi thường bạn thôi, thậm chí còn ghét bỏ. Bây giờ, phân tích các hiện thực xã hội, có người cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Không sai. Đi liền đó, đạo đức kinh doanh cũng trở thành xa xỉ phẩm!

Trở lại chuyện con tôm, con cá ta, rất may dù có doanh nghiệp thủy sản khá quyết liệt trong cạnh tranh, gây cảnh "lên bờ xuống ruộng" cho đối thủ… nhưng cuối cùng khá ổn thỏa, không có doanh nghiệp "chết" vì cạnh tranh. Những trường hợp "chết" chủ yếu do hệ thống quản trị quá kém. Theo phim kiếm hiệp là "chưa đủ thập bát ban võ nghệ đã sớm hạ sơn". Đặc biệt ở các thị trường đang thâm nhập, doanh nghiệp tôm, cá ta cạnh tranh ở Mỹ là quyết liệt hơn hết, bộc lộ rõ nét hơn nhờ diễn biến hai vụ kiện tôm và cá. Các doanh nghiệp lớn tỏ ra chiếm ưu thế trong thời gian dà, số còn lại đâu thể chịu yên.

VASEP là trọng tài trong một số thi thố. Tiếc là “quy chế thi đấu” chưa hoàn thiện, cho nên đôi khi cả… ba bên đều cho mình đúng. Tuy nhiên, may mắn ở lúc này, bối cảnh chung là bức tranh có màu khá sáng. Có thể có chút may mắn có gam màu đó, nhưng không thể không kể sự chung tay góp sức của một số thương nhân còn có chút tâm đáng quý trong hoàn cảnh này. Nhưng công tâm mà nói, các doanh nghiệp cá tôm lớn có áp lực lên điều hành VASEP hay không? Và bản thân các doanh nghiệp lớn này trên hành trình tiến về phía trước có để lại “sóng to gió lớn” cho các con tàu của doanh nghiệp nhỏ hơn không? Tôi không có ý phê phán ai, tôi muốn VASEP phải rũ bỏ lớp áo đã lấm tấm bùn, mạnh mẽ hơn, là chỗ dựa tinh cậy cho toàn bộ hội viên là doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ. Cho nên lời thật mất lòng nhưng không nói há lẽ phải tự ru trong vòng tròn luẩn quẩn. Doanh nghiệp lớn có ưu thế quá rõ, nhưng trong chừng mực nào đó ưu thế của người này là thất thế của người kia.

Tóm lại, Mỹ là thị trường lớn cho cả cá tra và tôm của ta trong thời gian dài và khả năng vẫn là thị trường lớn cho hai ngành hàng này trong dài hạn. Để giữ được chân ở đây, các thương nhân cá, tôm của ta đã hao tâm tổn sức không ít. Trong giai đoạn hiện nay, mọi vấn đề nên được giải quyết theo cái nhìn mới nhân văn hơn, mang tính toàn cầu và bền vững. Mỗi doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng đều có mối liên hệ hữu cơ trong chuỗi, thậm chí sống chết cùng nhau.

Mặt khác, tầm vóc ngành hàng của doanh nghiệp sẽ nâng cao nếu ngành hàng đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng lớn tới sức cung, thuận lợi là đầu tàu thúc đẩy toàn chuỗi. Như vậy, sự quan tâm cộng đồng, sự thân tình chia sẻ trong chuỗi và trong ngành là những điểm các thương nhân nên quan tâm đầy đủ hơn. "Hành trình dài phải có bạn", một lãnh đạo đáng kính đã khuyên như vậy. Sự đoàn kết hơn của các thương nhân tôm, cá ta chắc chắn có tác động toàn ngành, sẽ làm giảm lực cản đồng thời tăng thực lực, tạo ra một chuyển động lớn thật sự. Có như vậy, mục tiêu Chính phủ đưa ra cho ngành mới thêm yếu tố tích cực để hoàn thành.

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.