• Mỹ yêu cầu mọi lô tôm xuất khẩu vào thị trường này đều phải khai báo nguồn gốc, tôm nuôi ở ao nào và sản lượng thu hoạch được bao nhiêu... kể từ 2019.
  • Vụ kiện của Minh Phú là bài học lớn cho cả các doanh nghiệp khác.
  • Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt ngành tôm đã có sự thay đổi.

TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch VASEP

Trước những thách thức trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt tôm và cá tra đến từ đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (thành viên Tập đoàn PAN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - người đã có nhiều năm gắn bó với ngành, đã có chia sẻ về vai trò gắn kết của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thủy sản nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu. Người Đồng Hành giới thiệu tới bạn đọc bài viết (3 kỳ). Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

 

Kỳ II: Con tôm

Tôi không biết rõ, nhưng trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ năm 1995, đã có không ít lô tôm sú đông lạnh từ đồng bằng Cửu Long cập cảng Mỹ. Dĩ nhiên, sau đó số lượng ngày càng nhiều. Hệ quả xuất khẩu tôm qua Mỹ ngày càng tăng là cuối năm 2003, ngành tôm ta đối đầu vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, sau vụ cá tra một năm rưỡi và là vụ kiện chống bán phá giá thứ hai hàng hoá từ Việt Nam.

Rút kinh nghiệm vụ kiện cá có kết quả không như ý, VASEP đã chuẩn bị cho vụ kiện tôm tốt hơn. Kết quả tạm được, ngành tôm duy trì vị thế ở thị trường Mỹ. Thật ra trước đó, Nhật Bản đã là thị trường chủ lực của tôm Việt. Nhưng không thể bỏ trứng vào một giỏ và nhất là thị trường Mỹ có mức dung nạp cao, đáp ứng ngành chế biến Việt khi tình hình nuôi tôm ngày một lớn, nguồn cung tôm nguyên liệu ngày một tốt hơn. Thị trường EU giữ vị thế thấp hơn, một phần do đối thủ Thái Lan quá mạnh, đã ở lâu tại đây.

 

Ngành tôm đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng cao trong thời gian dài.

Sau vụ kiện, việc xem xét hành chính mức thuế diễn ra hàng năm. Các doanh nghiệp có doanh số lớn thường được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chọn làm bị đơn bắt buộc. Mức thuế trung bình của các bị đơn bắt buộc là mức thuế áp dụng cho các bị đơn còn lại tham gia vụ kiện. Liên tục trên chục lần xem xét hành chính, Minh Phú luôn là bị đơn bắt buộc và gần như luôn có mức thuế tốt do đã chuẩn bị sổ sách đầy đủ và thuê hãng luật bảo vệ có năng lực tốt.

Quá trình thâm nhập và ứng xử vụ kiện đã làm thay đổi liên tục các doanh nghiệp tôm hàng đầu thâm nhập thị trường này. Đến năm 2016, Minh Phú là doanh nghiệp tôm duy nhất thoát ra khỏi vụ kiện. Đó là nhờ vào chiến lược tốt, sự kiên trì và sự chịu đựng chi phí không nhỏ trong quá trình hơn chục năm theo đuổi mục tiêu riêng của mình. Khi Minh Phú không còn dính dáng vụ kiện đồng nghĩa không có bị thuế khi bán tôm vào Mỹ, trong khi các doanh nghiệp còn lại đang chịu mức thuế khoảng 5%. Khoảng lệch này là ưu thế cạnh tranh của Minh Phú. Cho nên Minh Phú chiếm một nửa kim ngạch bán tôm từ Việt Nam vào Mỹ, còn lại là phần của khoảng 30 doanh nghiệp tôm khác.

Tưởng vậy là tạm yên ổn, lại có doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc đã tạo ra yếu tố bất lợi trong sổ sách, để DOC áp mức thuế gấp đôi (nói tròn là 10%). Các doanh nghiệp còn lại bị vạ lây, thêm một phen vất vả, lao đao. Những năm đó thị phần tôm Việt ở Mỹ sụt giảm, nhưng ngầm bên trong sự phân hoá mạnh hơn, các doanh nghiệp lớn chiếm tỷ lệ áp đảo.

Khi Minh Phú có lợi thế lớn bán hàng vào Mỹ, các doanh nghiệp tôm còn lại tìm mọi cách cải thiện hoàn cảnh của mình, giải pháp cơ bản là hoàn thiện sổ sách tốt nhất, chứng minh DOC mình không bán phá giá nhằm có mức thuế thấp nhất. Sổ sách giải trình hoàn chỉnh, giá trị thay thế mới phù hợp hơn. Trời thương người lành, DOC sòng phẳng. Toàn bộ các doanh nghiệp bán tôm vào Mỹ có mức thuế cực tốt, gần bằng không. Lạch khơi thông, dòng chảy mạnh, bởi so sánh thì ưu thế của Minh Phú không còn đáng kể. Miếng bánh tôm Việt ở thị trường Mỹ khá ổn, Minh Phú chiếm phân nửa. Stapimex chiếm 1/3 nửa còn lại. Số đông doanh nghiệp kia không có doanh số vượt trội, khá đồng đều nhau như Sao Ta, Cleanfood, F17, Utxi, Thuận Phước...

Từ năm 2019, phía Mỹ quy định buộc các lô hàng tôm bán vào đây phải khai báo nguồn gốc, tôm nuôi ở các ao nào, sản lượng thu hoạch bao nhiêu... Dĩ nhiên danh sách mã ao phải báo trước để họ đối chiếu. Mặt khác, sự gia tăng sản lượng tiêu thụ tôm ở Mỹ của Minh Phú khiến nguyên đơn không hài lòng. Họ đã tìm hiểu và kiện Minh Phú (qua công ty con) mua tôm nước thứ ba, tái chế và xuất vào Mỹ. Việc này, theo bên Mỹ là vi phạm xuất xứ và thuế chống bán phá giá. Dĩ nhiên, Minh Phú có sự biện luận, bảo vệ cho mình. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Mỹ sau khi xem xét giải trình hai bên đã đưa ra phán quyết sơ bộ thuế 10% cho các lô hàng tôm từ Minh Phú bán vào Mỹ. Minh Phú tự tin mình không sai sót, vẫn có thể bán tôm vào Mỹ bình thường. Có lẽ để giảm thiểu rủi ro, họ đành giảm một phần doanh số hàng năm ở Mỹ, chuyển qua các thị trường khác. Từ năm 2020, Stapimex lên ngôi đầu ở đây. Đúng câu vạn vật tuần hoàn!

Không như cá tra, bên tôm duy trì thị trường Mỹ đều đặn hơn và có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn. Điểm tương đồng là không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Có sự thay đổi doanh nghiệp lớn dẫn dắt ở thị trường này bên cá lẫn bên tôm. Mọi sự vật luôn ở trạng thái biến động; như vậy vai trò, vị trí các doanh nghiệp này cũng có thể thay đổi trong tương lai gần. Vận động là lẽ thường, nhưng biến động, tốt hơn là theo xu hướng tốt để chu trình vận động mang tính vòng tròn đi lên.

Ngành tôm đang mang trên vai trọng trách Chính phủ giao phó, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Cho nên, với tình hình tương đối ổn định hiện nay ở Mỹ, thị trường tôm lớn nhất của Việt Nam thời điểm này, ngành tôm phải đoàn kết nỗ lực duy trì, bởi đây là thị trường hàng đầu tôm Việt. Có như vậy, mới đáp ứng mong đợi của cả chuỗi cũng như kỳ vọng của những nhà hoạch định, điều hành bên trên.

(còn tiếp)

 

(Theo ndh.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.