• Cá tra có thời điểm đã liên tục lập đỉnh, ở mức 35.000 đồng/kg.
  • Mỹ và Trung Quốc đã trở thành những thị trường có khả năng tiêu thụ lớn nhất.
  • Doanh nghiệp cá tra cần hợp tác chặt chẽ, tận dụng những cơ hội mà FTA mang lại để ngành phát triển bền vững.

TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch VASEP

Trước những thách thức trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt tôm và cá tra đến từ đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (thành viên Tập đoàn PAN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - người đã có nhiều năm gắn bó với ngành, đã có chia sẻ về vai trò gắn kết của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thủy sản nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu. Người Đồng Hành giới thiệu tới bạn đọc bài viết (3 kỳ). Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

 

Kỳ I: Cá tra

Ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam có ba mảng lớn là tôm, cá tra và hải sản. Tôm và cá tra đã và đang coi trọng thị trường Mỹ. Bởi đây là thị trường có biên độ dung nạp rất lớn. Trải qua trên 20 năm gia nhập thị trường rộng hàng đầu thế giới này, con tôm và cá tra Việt trải qua nhiều nỗi thăng trầm nhiều cung bậc, có đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố!

Cá tra, nhiều người nói là quà tặng thiên nhiên! Tạm coi được. Nhưng có người cho rằng mình “độc quyền” nên có thể định giá bán, hà cớ gì bán rẻ. Điểm này cần cân nhắc, xem xét thấu đáo. Hành trình con cá tra lên ngôi - ngôi vương hay hậu gì không bàn - rất đáng suy gẫm, tìm đúng bản chất để cho người đi sau bài học, thêm hành trang trên thương trường.

Giá cá tra liên tục lập đỉnh vào thời điểm 2007. Ảnh: VnExpress.

Giữa năm 2002, cá tra đang tiêu thụ tốt ở Mỹ bất ngờ đối diện với vụ kiện chống bán phá giá do nguyên đơn là Hiệp hội Chủ trại cá nheo Mỹ (CFA). Đây là vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên nước ta đối mặt. Lúc đó chưa ai có kinh nghiệm ứng phó. Kết quả sau đợt xem xét hành chính lần thứ nhất (PR1), cá tra chịu không nổi thuế, phí tổn và phải bỏ thị trường này. Thương nhân cá lặn lội tìm "chợ" khác. Cái khó ló cái khôn, khó ở Mỹ, cá tra tìm lối thoát của mình ở các nước EU dù chịu lận đận vài năm.

Bất ngờ từ 2007, cá tra lên giá liên tục kéo dài vài năm sau đó, có lúc lên đỉnh 35.000 đồng/kg. Cũng thời gian đó, cá minh thái Alaska sinh sống vùng biển Bering giảm sản lượng tự nhiên rất mạnh. Điều này dẫn đến hạn ngạch khai thác cá này của Mỹ và Nga giảm cả triệu tấn mỗi năm, gây khan hiếm cá thị trắng trên thị trường, nhất là EU. Cá tra phi lê là sản phẩm cá thịt trắng, khá tương đồng giá, dinh dưỡng… được chọn thay thế. Nhưng lúc đó, sản lượng cá tra ta đâu có đủ bù sản lượng cá minh thái thiếu hụt. Do quan hệ cung cầu nên cá tra lên ngôi. Biết rằng phải có công lao các thương nhân cá lặn lội qua hội chợ Brussels giới thiệu, chào mời khách mua cá và may mắn đúng thời điểm. Chữ may mắn là có nhưng không khỏa lấp hết công lao to lớn của các thương nhân ta.

Ba bốn năm sau đó, đàn cá minh thái trong tự nhiên dần phục hồi và nhanh, đến năm 2010 thì hạn ngạch khai thác trở lại mức cũ; trong khi ở miền Tây ao cá tra cứ đào, cứ nuôi… mà không quan tâm diễn biến cung cầu. Dẫn đến khoảng 2010-2015 ngành cá tra điêu đứng vì tồn ứ hàng hóa, giá xuống đáy. Đây là lẽ thường trong kinh tế thị trường. Khi giá cá lên cao vút không ai khen một tiếng thương nhân cá làm cầu nối để bao người nuôi hưởng lợi, có nhà lầu, xe hơi. Khi giá cá xuống thấp, thương nhân bị giới truyền thông lên án khá gay gắt là bán phá giá, gây ra bao cảnh phá sản ê chề… Hãy đứng ở vị trí thương nhân cá lúc đó, tìm coi có giải pháp nào tốt hơn hay không, mới kết án. Bây giờ, nhiều tình huống tương tự xảy ra, ví dụ như dầu mỏ khai thác giá vốn 50 USD/ thùng, đôi khi chỉ bán 30 USD; chắc suy nghĩ mọi người sẽ thoáng hơn. Té ra lúc đó thương nhân làm bài toán cắt lỗ do áp lực cung vượt cầu, bởi không bán, để lâu thiệt hại nhiều hơn, ngành cá sẽ sụp đổ nặng nề hơn.

Khó khăn ập đến, thương nhân lại tìm đường cứu cá. Lặn lội các nước Trung Nam Mỹ, một số nước châu Á, khối xã hội chủ nghĩa cũ. Có lúc khối xã hội chủ nghĩa cũ (chủ yếu là Nga) chiếm thị phần khá lớn, nhưng không lâu bền. Qua thời gian, tầm vóc thương nhân cá cũng khác, trưởng thành hơn. Nhất là biết cách để đưa cá trở lại Mỹ. Một số doanh nghiệp cá lớn, tài chính mạnh, với sự hợp tác từ các đối tác bên Mỹ và đội ngũ luật sư Mỹ giỏi việc, cá tra đã tái nhập Mỹ.

Nhưng diễn biến khôn lường, chỉ cần chút sơ sẩy trong sổ sách, danh sách doanh nghiệp xuất cá tra qua Mỹ có thay đổi. Sơ suất trả giá khá nặng, có doanh nghiệp mất thị trường. Trước đây, sản lượng cá bán vào Mỹ thông qua vài chục doanh nghiệp, nay sản lượng đó (và tăng thêm) chỉ còn vài doanh nghiệp đảm nhận, cho thấy lợi thế vô cùng lớn của các doanh nghiệp này. Ít đầu mối bán cá vào Mỹ có cái hay là sẽ duy trì giá tốt hơn nhưng mặt khác làm suy giảm hy vọng các đồng nghiệp khác.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh các doanh nghiệp cá không dừng lại, vẫn tiếp diễn không ồn ào và số doanh nghiệp tham gia ngày càng ít vì thấy hy vọng ngày càng nhỏ do bên nguyên đơn khá căng thẳng và khả năng tài chính các doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện có hạn. Mới đây, DOC phán quyết mức thuế cuối cùng PR15 của cá tra (27/4/2020), chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia xem xét hành chính. Kết quả là có mức thuế rất thấp, là F17 Nha Trang và Caseamex Cần Thơ. Hai doanh nghiệp này có năng lực chế biến không nhỏ. Diễn biến cạnh tranh quyết liệt lấy thị phần cá tra ở Mỹ sang một trang mới, chắc có phần sôi động hơn, do đầu mối bán hàng tăng lên.

Cũng trong quãng thời khó khăn năm - bảy năm qua, ngoài Mỹ, nhiều thương nhân cá đã tìm thấy một thị trường hết sức to lớn là Trung Quốc. Việc xuất bán qua cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, khiến có lúc doanh số tiêu thụ ở đây ngang ngửa mức tiêu thụ ở Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lộ đang thênh thang, bất ngờ "bom Covid-19" cày nát đường, ách tắc. Song song đó, bên Trung Quốc đang nuôi cá tra đồng thời sản lượng cá rô phi phi lê lớn nhất thế giới của Trung Quốc xuất qua Mỹ bị thuế khá cao, khiến ít nhiều bị ách tắc, chuyển tiêu thụ trong nước, khiến áp lực nhu cầu cá tra thêm giảm. Những tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian đầy ưu tư, lo lắng cho nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi cá vì đầu ra bị thu hẹp, giá cá sụt giảm, gây thiệt hại.

Cá tra là quà tăng từ thiên nhiên. Bây giờ thiên nhiên còn tặng quà này cho Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangadesh. Các nước có sản lượng nuôi nước ngọt lớn nhất thế giới đã chú ý và tổ chức nuôi được cá tra, sản lượng không nhỏ, vài trăm ngàn tấn mỗi nước và tăng lên nửa triệu, một triệu tấn là chuyện không khó.

Con cá tra, từ không ai chú ý trên dòng Mê Kông, được chúng ta quan tâm sinh sản nhân tạo thành công; tổ chức nuôi; tìm kiếm thị trường; để lúc cao điểm sản lương suýt đạt 2 triệu tấn cá năm. Nó tạo ra kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD năm. Đây là thành quả rất lớn lao, là công sức của nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ thương nhân, nhà khoa học, các cấp chính quyền và bàn tay hàng vạn lao động. Thành quả đó nên được trân trọng, chung tay gìn giữ và chia sẻ.

Hiện nay, sự tranh đua thương trường đã phân hóa mạnh các doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn luôn muốn giành miếng bánh thị trường lớn, đôi khi không từ bỏ những thủ đoạn có người cho rằng không sòng phẳng để vượt lên. Sự không bắt tay giữa các doanh nghiệp cá khiến việc điều hành chung thêm vất vả.

VASEP có Ủy ban cá nước ngọt, nhằm ít nhiều điều phối hoạt động của nhóm doanh nghiệp cá, tìm tiếng nói chung các doanh nghiệp cá; giảm những xung đột lợi ích gây căng thẳng, ảnh hưởng môi trường chung ngành cá. Hiện nay có thêm Hiệp hội Cá tra với tôn chỉ gắn kết chuỗi giá trị ngành cá, hài hòa lợi ích tốt hơn. Sự quan tâm của chính quyền như vậy là quá quý. Còn lại là sự mở lòng của các thương nhân, nhất là thương nhân lớn, chú ý đại cục làm trọng, có ít nhiều chia sẻ nhau cùng đi lên trong niềm vui chung cả chuỗi.

Tóm lại, con cá tra ta bơi vào Mỹ hết sức vất vả, đôi lúc phải qua những ngóc ngách hẹp. Quá trình cạnh tranh với quy định nước sở tại và cạnh tranh với nhau khiến ở đích đến không còn bao nhiêu người. Hình ảnh này tương tự khi thâm nhập các thị trường lớn khác đã và đang diễn ra - đầy những khó khăn. Đôi khi có những khó khăn do chính nội tại gây ra.

Đội ngũ thương nhân cá là những người lính xung kích, có công lao to lớn đưa con cá ra thị trường thế giới, để miền Tây có thêm hàng vạn việc làm, tạo ra nguồn của cải xã hội không nhỏ. Lúc còn phạm vi nhỏ, lúc còn khó khăn ban đầu, đội ngũ doanh nghiệp cá đã có sự chung tay rất tốt để nâng tầm con cá, để được như hôm nay. Tôi có suy nghĩ, nếu các thương nhân cá nhớ về thời chia ngọt sẻ bùi, nay nên tiếp tục chia sẻ và chung tay với cộng đồng. Có như vậy sự phát triển ngành cá tra mới bền vững và hiệu quả hơn.

(Còn tiếp)

 

(Theo ndh.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.