• Xuất khẩu tôm Việt vẫn giữ được đà tăng trưởng hơn 10% trong 9 tháng đầu năm.
  • Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong ngành tôm bị phân hóa trong 9 tháng.
  • Triển vọng Sao Ta sáng nhất nhờ nhu cầu tôm thẻ thế giới duy trì ở mức cao và yếu tố tích cực từ EVFTA.

 

Xuất khẩu tôm khởi sắc, doanh thu các công ty phân hóa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm ước giảm 4% đạt gần 6 tỷ USD; tuy nhiên xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ USD. Xuất khẩu tôm đã giữ được đà tăng trưởng liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay.

 

Xuất khẩu tôm đã giữ được đà tăng trưởng liên tục từ tháng 2 đến nay. Nguồn VASEP.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng đến 33% đạt 634 triệu USD. Đây là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam với tỷ trọng gần 24%. Về phân khúc, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 15% và chiếm 72% tổng xuất khẩu; xuất khẩu tôm sú giảm 15% và chiếm 16% sản lượng xuất khẩu; còn lại là tôm biển.

Trong báo cáo ngành tôm mới đây, Mirae Asset Securities (MAS) nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu tôm báo cáo kết quả kinh doanh trái chiều do có cấu trúc sản phẩm và thị trường khác nhau.

Trong quý III, Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) - một thành viên của Tập đoàn PAN công bố con số doanh thu thuần kỷ lục 1.620 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lũy kế 9 tháng tăng 17% đạt 3.206 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ về 169 tỷ đồng do các chi phí hoạt động tăng lên trong mùa dịch.

Hoạt động chế biến và tiêu thụ của công ty trong tháng 10 vẫn rất khởi sắc. Doanh số tiêu thụ tháng 10 là 22,9 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, doanh số chung đạt 161 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ và tương đương cả năm 2019.

Camimex Group (HoSE: CMX) cũng có diễn biến tương tự, doanh thu 9 tháng tăng 46% lên 1.115 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 41% còn hơn 44 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch làm gia tăng các chi phí trong phòng chống dịch, giá bán khó nâng lên tương ứng với đà tăng giá đầu vào.

Quy mô của Minh Phú bị thu hẹp, trong khi Sao Ta và Camimex liên tục mở rộng.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) có doanh thu thuần giảm 22% còn 9.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lại tăng 22% lên 475 tỷ đồng. Theo nhận định của MAS, kết quả này là do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm sang Mỹ tăng từ 0% lên 10%, tiết giảm chi phí vận chuyển và tăng lợi nhuận tài chính.

Trong khi đó, MAS cho rằng lợi nhuận Sao Ta giảm nhẹ là do giá tôm thẻ nguyên liệu tăng 4% so với cùng kỳ, kèm theo chi phí lưu kho lâu hơn và phát sinh chi phí kiểm soát dịch bệnh. Lợi nhuận Camimex giảm mạnh là do giá bán tôm sú trung bình giảm 0,7% nhưng giá nguyên liệu lại tăng 6,6% khiến biên lợi nhuận giảm mạnh.

Tôm thẻ lên ngôi, Sao Ta sáng nhất ngành

Đại dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia thực thi lệnh cách ly kéo dài dẫn đến hoạt động của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng toàn cầu bị đình trệ. Hệ quả của vấn đề này là việc tiêu thụ các loại tôm cỡ lớn có giá trị cao như tôm sú, tôm hùm sụt giảm mạnh. Ngược lại, do thu nhập bị ảnh hưởng, số lượng các bữa cơm gia đình tăng cũng như nhu cầu của thực phẩm ăn liền, đồ ăn nhanh như pizza tăng lên, nhu cầu về các loại tôm cỡ nhỏ hơn, rẻ hơn (tôm thẻ chân trắng) lại cải thiện một cách mạnh mẽ, theo báo cáo của MAS.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 14% đạt trên 1,9 tỷ USD; trong khi đó xuất khẩu tôm sú các loại giảm 15% xuống 424 triệu USD. Hiệp hội này cho biết xuất khẩu tôm chân trắng có xu hướng tăng mạnh trong các tháng gần đây, tập trung tăng mạnh các sản phẩm tôm chân trắng chế biến mã HS16 (tăng 22%).

Một số quốc gia châu Âu đã công bố tiếp tục áp dụng lệnh cách ly toàn quốc kéo dài 30 ngày trong tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc xu hướng tiêu thụ sẽ không có nhiều thay đổi trong những tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, MAS cho rằng tiêu thụ tôm sú sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn trong quý IV và tiêu thụ tôm thẻ vẫn có xu hướng tăng trưởng tốt.

Với triển vọng đó, công ty chứng khoán cho rằng Thực phẩm Sao Ta là đơn vị hưởng lợi nhất nhờ nhu cầu tôm thẻ trên thế giới được duy trì ở mức cao (tỷ trọng tôm thẻ của Sao Ta lên đến 95%). Ngoài ra, giá nguyên liệu tôm thẻ trong nước dự phóng duy trì ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg nhờ nguồn cung trong nước đi vào ổn định khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Triển vọng kinh doanh của Sao Ta sáng nhất ngành tôm.

MAS dự báo sản lượng tôm thẻ của Sao Ta có thể tăng 18% so với năm 2019, lên mức 17.698 tấn với động lực chính đến từ thị trường Mỹ trong điều kiện thương chiến Mỹ-Trung kéo dài. Năm 2021, doanh thu công ty sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu tôm thẻ thế giới duy trì ở mức cao và yếu tố hỗ trợ tích cực từ EVFTA.

Ngoài ra, Sao Ta đang có số dư tồn kho thấp nên sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá tôm nguyên liệu giảm sớm nhất. Số ngày tồn kho của Sao Ta khoảng 79 ngày, thấp hơn so với Minh Phú (90 ngày) và Camimex (hơn 200 ngày).

Hiệp định EVFTA đã giúp thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% và thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4% đến 20% tùy quốc gia.

 

(Theo ndh.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.