Cổ phiếu thuỷ sản tăng trưởng tốt hơn VN-Index nhưng giai đoạn này chưa phải cơ hội tốt nên có thể cân nhắc với khẩu vị trung và dài hạn.

Bà Lý Thị Hiền - Trưởng phòng phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết cổ phiếu thuỷ sản giảm 11% kể từ đầu năm, trong khi chỉ số đại diện cho sàn TP HCM mất đến 20%. Thị trường xuất khẩu chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, thể hiện trực tiếp lên kết quả kinh doanh quý đầu năm. Lợi nhuận của một số doanh nghiệp đầu ngành giảm phân nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, định giá ngành vẫn duy trì ở mức cao với P/E khoảng 20x.

 

Triển vọng ngành đang phụ thuộc gần như hoàn toàn việc kiểm soát tình hình dịch bệnh và việc các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục "ngấm đòn" với cả kịch bản lạc quan nhất là Covid-19 chấm dứt vào cuối tháng 6 và hoạt động thương mại bình thường sau đó vài tháng.

"Quan điểm của tôi là trong ngắn hạn chưa phải cơ hội tốt để đầu tư cổ phiếu ngành thuỷ sản", bà Hiền nói. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có khẩu vị trung hạn, chuyên gia này khuyến nghị ba cổ phiếu tiềm năng.

  Giá đóng cửa ngày 5/5 Giá mục tiêu  % từ đầu năm đến nay P/E (lần)
FMC 23.950 28.000 -11,3 4,58
CMX 12.400 22.000 9,9 1,45
VHC 30.000 40.000 -25,9 5,24

FMC - Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta

Đây là một trong ba công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Thị trường tiêu thụ chính là EU, Nhật Bản và Mỹ. Công ty sở hữu vùng nuôi tôm riêng rộng 190 hecta đạt chuẩn BAP và ASC. Công ty vừa mở rộng diện tích nuôi và kho lạnh tại Sóc Trăng, dự kiến hoàn thành trong quý II nên triển vọng từ cuối năm đến đầu năm sau sẽ tích cực hơn.

Lo ngại thị trường tiêu thụ bị đảo lộn nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu doanh số tăng 10% lên 176 triệu USD và lãi sau thuế 240-250 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến giữ nguyên, khoảng 20-25%. Báo cáo tài chính quý đầu năm ghi nhận doanh thu 714 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng và chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.

CMX - Công ty cổ phần Camimex Group

Công ty có lợi thế gần như độc quyền thị trường tôm sinh thái nên đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính. Những năm nay trước công ty chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu khách hàng nên gần đây phải tăng nhanh năng lực sản xuất. Hiệp định EVFTA chính thức hiệu lực vào tháng 7 tới đây, giúp công ty có thêm ưu đãi khi xuất thị trường EU. Điều này cộng thêm các hợp đồng đầu ra cho năm nay giá trị lớn, có sẵn hàng tồn kho giao ngay là động lực chính cho tăng trưởng các tháng cuối năm.

Doanh thu hợp nhất quý đầu năm đạt 285 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống còn 15 tỷ đồng. Trong thông báo mới đây, công ty cho biết doanh số xuất khẩu tháng 4/2020 đạt 6,5 triệu USD và tăng gần 86% so với cùng kỳ. Đây là doanh số tính theo tháng cao nhất trong vòng bảy năm và dự báo tiếp tục đi lên trong hai tháng tới nếu tình hình không có gì thay đổi.

VHC – Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn

Khi thị trường Mỹ và EU bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, công ty có thể đẩy mạnh các đơn xuất khẩu sang Trung Quốc để bù đắp thiếu hụt. Giả định dịch bệnh được ngăn chặn sớm và hoạt động xuất nhập khẩu bình thường trở lại trong quý III hoặc quý IV, kết quả kinh doanh của công ty sẽ dần hồi phục. Triển vọng tích cực sẽ qua đầu năm sau khi dịch bệnh được ngăn chặn triệt để và tác động của hiệp định lên các đơn đặt hàng rõ ràng hơn.

Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm đạt 152 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu do tồn kho đã giảm đáng kể, về mức bình thường và thậm chí thiếu hụt. Ban lãnh đạo công ty dự báo giá bán vì thế sẽ ổn định trong nửa đầu năm và tăng theo cung cầu thị trường vào các tháng cuối năm.

(Theo vnexpress.net)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.