Trong ngành thuỷ sản, tôm thẻ chân trắng và cá tra có kim ngạch xuất khẩu cao. Trong đó những doanh nghiệp (DN) lớn về tôm và cá tra đã không ngừng lớn mạnh, thu nhiều lợi nhuận. Nhưng song song đó, không ít những người nuôi tôm, nuôi cá tra đã phá sản những năm qua. Tình trạng này chưa dừng lại... Nhìn bên ngoài như đang có một mâu thuẫn giữa hai mắc xích chủ chốt của chuỗi giá trị con tôm, con cá tra!
         Để lý giải vấn đề này, phải tìm hiểu sâu xa hơn hoạt động của từng sản phẩm. Những điểm lưu ý:
         + Các DN chế biến hai ngành đều rất đông đảo. Xu thế, số lượng giảm dần do quá trình sàng lọc trong kinh doanh; nhất là qua các biến động lớn, cụ thể đợt khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2009 (tác động nhiều DN tôm) và diễn biến cung cao hơn cầu 2011-2020 (cá).
         + Tốp DN lớn tôm lẫn cá đều có biến động, nhiều DN lớn đã không thể giữ được vị thế của mình, không ít đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Không phải là DN lớn nào cũng mạnh.
         + DN tôm lớn nuôi tôm chưa nhiều, chưa phổ biến. DN cá lớn đều có vùng nuôi, có thể tự cung tới trên 50% nhu cầu nguyên liệu cá. Điều này có tác động tới số nuôi còn lại, vì có ít thông tin hơn về diễn biến giá cả.
         + Theo quan sát, các DN tôm, cá tra hoạt động yếu kém chủ yếu do năng lực quản trị hơn là do yếu tố khách quan.
         + Các hộ, trang trại nuôi tôm thất bại chủ yếu do dịch bệnh trên tôm kéo dài hơn là do giá cả biến động. Những hộ, trang trại nuôi có lãi là nhờ vào sự cần cù, nhạy bén trong việc vận dụng các thành tựu mới, các kinh nghiệm quý, các mô hình nuôi tiên tiến nhất.
         + Các hộ, trang trại nuôi cá tra lỗ lã chủ yếu do giá cả xuống thấp kéo dài hơn là do dịch bệnh trên cá. Mặc dù hiện nay việc nuôi cá ngày càng khó, nguyên nhân có thể do thoái hóa con giống và môi trường có xu hướng xấu đi. Các hộ, trang trại nuôi có lãi là nhờ biết thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm giá thành; chọn lọc con giống tốt và quy trình nuôi chuẩn mực.
         Trong thực tế không phải chỉ các DN lớn thành công. Nhiều DN nhỏ hơn cũng luôn có kết quả hoạt động tốt. Điểm chung các DN thành công là có nhà quản trị cấp cao bản lĩnh hơn. Thể hiện những DN này hoạt động có chiến lược, luôn chú trọng nâng cao công tác quản trị và quan tâm tranh thủ các cơ hội kinh doanh.
         Hoạt động có chiến lược là tính toán cho dài hạn, không bóc ngắn cắn dài. Chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu, minh bạch hoạt động và quan tâm chung tay bảo vệ môi trường.
         Nâng cao năng lực quản trị là ngoài việc học hỏi, rút kinh nghiêm nâng cao bản lĩnh, còn chú trọng ứng dụng các công cụ quản trị để việc kiểm soát được kịp thời và chính xác hơn. Thí dụ ứng dụng công cụ quản trị ERP để có bài toán tối ưu cho từng tình huống.
         Tranh thủ các cơ hội kinh doanh là có sự quan tâm chặt chẽ các diễn biến mọi mặt trên thế giới để thúc đẩy hoạt động của mình. Thí dụ thông tin tôm nuôi bị dịch bệnh từ cường quốc tôm đối thủ sẽ khiến giá cả tôm thế giới có thể có biến động; thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng sẽ là cơ hội tôm bao bột thâm nhập vào Mỹ; EVFTA có hiệu lực khách hàng từ EU sẽ qua Việt Nam nhiều hơn...
         Tổng quát, các DN chế biến tôm, cá lớn mạnh, phát triển là nhờ họ đã chủ động nỗ lực nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị; hoạt động có bài bản và xây dựng chiến lược hoạt động dài hạn. Họ đã vượt qua biết bao đồng nghiệp và cái giá trả không phải nhỏ; biết bao khó khăn phải chịu đựng và vượt qua; bao rủi ro phải chấp nhận. Các hộ, trang trại nuôi tôm, cá bị thua lỗ do tác động khá lớn từ hoàn cảnh khách quan. Tuy nhiên, cũng có những hộ, trang trại có lãi là nhờ họ đã năng động, nhạy bén, biết lách ra những cánh cửa hẹp.
         Tóm lại, vấn đề nêu ra hình ảnh DN chế biến tôm, cá mạnh bên cạnh hộ nuôi tôm, cá thua lỗ là chưa thể hiện đầy đủ thực tế. Bởi bên cạnh đó không ít DN tôm, cá đóng cửa và cũng khá nhiều hộ nuôi có lãi. Không có gì mâu thuẫn giữa hai mắc xích này. Nó chỉ nêu lên sự khác biệt giữa các nhà quản trị bản lĩnh và yếu kém và tương tự trong lĩnh vực nuôi, dù lĩnh vực này bị tác động khá lớn từ yếu tố khách quan.
         Trả lời câu hỏi tiếp theo: Năm 2019 thị trường EU chiếm hàng đầu tôm Việt. Vì sao những tháng đầu năm 2020 thị trường này chỉ ở hạng thứ 4?

      

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.