Covid-19 đã diễn ra 6 tháng. Trong đó hai tháng gần đây, kinh tế chung đang hồi phục, có ngành tôm.
        Tuy nhiên, trong ngành tôm không phải vẹn toàn tất cả. Có doanh nghiệp (DN) tốt lên và ngược lại. Tất cả do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
         Khách quan như do cơ cấu thị trường, khách hàng DN có sẵn, do dịch bệnh trên tôm nuôi. Chủ quan là sự chủ động ứng phó tình hình có liệu định và giải pháp phù hợp. DN có thị phần nhiều ở các nước bị tác động mạnh từ Covid-19 như Trung Quốc sẽ giảm tiêu thụ mạnh và kéo dài, chưa xác định thời gian hồi phục hoàn toàn. DN nào có khách hàng tập trung tiêu thụ ở khu vực nhà hàng, khách sạn cũng rơi vào khó khăn chưa biết ngày vãn hồi do hạn chế đi lại khiến nhà hàng, khách sạn vắng khách. Dịch bệnh trên tôm nuôi trong nước cũng gây khó cho việc xác định giá thành tôm tiêu thụ vì giá tôm nguyên liệu trồi sụt bất thường. Mặt thuận, các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... nhất là Trung Quốc bị tác động từ Covid-19 khá nặng nề, khiến chuỗi cung ứng tôm của họ ít nhiều bị gián đoạn. Vì an toàn, nhiều hệ thống tiêu thụ tôm lớn tìm về Việt Nam. Các DN có tính toán chủ động ứng phó Covid-19 như tính toán tiêu thụ hàng tồn kho; tính toán khối lượng hợp đồng tiêu thụ tương lai với giá cả phù hợp; và nhất là biết thực hiện các qui định giãn cách trong thời gian dịch bùng phát nhằm giữ an toàn cho người lao động trong DN và giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh.


         Qua 6 tháng đã có câu trả lời. Cộng đồng DN tôm đã cơ bản ứng xử tốt trong hoàn cảnh chưa thoát ra khỏi khó khăn. Tuy một số DN tôm, nhất là DN có thị trường trọng điểm là Trung Quốc, đang trong giai đoạn hết sức gay go như tồn kho và tiêu thụ chậm, rất chậm. Tuy một số cỡ tôm lớn, giá trị cao, nhất là tôm sú giá cả còn giảm thấp bởi tiêu thụ tập trung khu vực nhà hàng, khách sạn... nhưng toàn ngành có tăng doanh số tiêu thụ tăng trưởng dương, theo truyền thông khoảng 3%.
         FMC đã hết sức nỗ lực, cơ bản vượt qua khó khăn. Khó khăn nhất là giai đoạn tôm thả nuôi một tháng tuổi nhằm cao điểm phát tán Covid-19. Nỗi lo chuỗi cung ứng nuôi tôm bị gián đoạn; hàng ngày xe vận chuyển đến vùng nuôi phải dừng lại khai báo các ranh địa phương; người lao động đứng coi ao không an tâm, lo ngại lây lan dịch bệnh vì sinh hoạt tập thể... Nỗi lo đếm từng ngày, đến nay đã yên ổn, sản lượng tôm thu đạt đúng kế hoạch. Có điều vừa qua (và hiện nay) bệnh tôm đang hoành hành khiến chi phí tăng, lãi có giảm. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nuôi tôm có sản lượng cao và nhất là có lãi không phải DN nào cũng làm được.
         Lĩnh vực nông sản, tuy sản lượng có giảm do kênh tiêu thụ nhà hàng. Tuy nhiên, thời điểm này trên đà hồi phục và quan trọng là vẫn có lãi.
        Lĩnh vực chế biến tôm, đang có hợp đồng khá lớn, duy trì hoạt động kéo dài. Và tuỳ tình hình, sẽ có thêm hợp đồng bảo đảm không gián đoạn sản xuất.
        Tình hình trên đưa đến doanh số FMC 6 tháng tăng 8,5% so cùng kỳ năm rồi. Quan trọng hơn, có mức lãi ngang ngửa năm rồi, khá tốt.
Tuy nhiên, bóng đen Covid-19 vẫn còn đó, chưa đánh giá được diễn biến thời gian tới. Điều này khiến FMC càng thận trọng hơn trong phương án kinh doanh. Tập trung hoàn tất từng lô hàng để giao sớm nhất và hạn chế tồn trữ vật tư có thể rủi ro làm kẹt vốn. Chú trọng cẩn thận trong vụ thả nuôi tiếp theo, cố gắng duy trì có đồng lời....là những giải pháp FMC đang thực thi.
        Trường đồ tri mã lực. Con ngựa FMC đã bền sức suốt chặng đường 25 năm, nay tuy đang đối mặt khó khăn chung nhưng chưa là khó khăn nhất; cho nên chúng ta có lòng tin FMC sẽ kiên trì và về đích như mong đợi.
                                                                                                                                                                                                                               Hồ Quốc Lực

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.