Từ COVID-19 đến nay đã hơn 4 năm, đó là quãng thời gian không ngắn đại đa số các doanh nghiệp (DN) chịu biết bao khó khăn, gây hệ lụy biết bao DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, bởi liền sau đó là đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, là lạm phát suy thoái toàn cầu... Thời gian này cũng có không ít DN mới, đăng ký hoạt động. Nhưng bối cảnh chung là niềm vui không thể so sánh nỗi buồn! Từ đó có lẽ không ít doanh nhân dành nhiều hơn thời gian cầu khẩn được trời độ, mua may bán đắt… Nói có sách, mách có chứng, ghi ở phần dưới đây.
       Sáng mùng 6 tháng giêng rồi, tôi đi làm sớm vì hôm nay công ty chỗ tôi làm khai trương. Trên con đường hàng ngày tôi đi qua, hai bên là trên chục chi nhánh ngân hàng thương mại, trong đó dĩ nhiên có “big four”, hôm nay trở nên như nhộn nhịp hơn. Mùng 6, dư âm “mùng”, buổi sáng còn không ít nam thanh nữ tú rủ nhau đi ngồi quán. Viếng chùa căn bản hoàn tất mấy ngày đầu năm rồi. Trước các chi nhánh ngân hàng, các người làm việc bên trong ăn mặc rất tươm tất, đa phần đồng phục, có chút lăng xăng vào ra, khiến không gian như có chút mới lạ, đẹp mắt. Chú ý thêm, trước cửa chính đều có bày bàn, trên có hương, hoa, trái… Chắc chắn người điều hành sẽ có khấn ơn trên, cầu mong:

Khai trương ngày tốt lộc tràn về
Gia chủ đắt hàng cười hả hê
Tiền vào như nước đếm không xuể
Chi nhánh mọc lên khắp mọi bề.

       Mấy câu thơ này tôi lượm trên mạng, ghi vào đây thấy cũng không có gì lạc nhịp. Chú ý hơn nữa, có hai đoàn lân đang sắp xếp đội hình trước hai chi nhánh khá lớn. Có lẽ hôm nay là ngày “vất vả” nhất của các đoàn lân, bởi có thể là ngày có nhiều lượt biểu diễn nhất và mỗi buổi biểu diễn có thu hoạch nhiều nhất so các ngày trước. Ngày hôm nay, có rất nhiều DN lớn, nhỏ địa phương khai trương, từ được nhắc nhiều nhất chắc là câu chúc nhau KHAI TRƯƠNG HỒNG PHÁT! Trước thời Covid, chuyện bày bàn hương hoa không “tấp nập” như nêu trên.
       Chuyện tôi bày trên là tốt hay xấu, nên hay không nên làm? Sẽ không có câu phán xét chính xác hoàn toàn, bởi phụ thuộc góc nhìn mỗi người. Góc nhìn của từng người lại phụ thuộc hoàn cảnh, bản lĩnh cá nhân… Do vậy, tôi không đưa ra nhận xét, bởi tôi cũng trong tâm trạng các nhà điều hành các chi nhánh đang nói thôi. Năm con rồng lần trước, DN tôi khởi nghiệp nuôi tôm, xắn tay vào lĩnh vực chưa hề có kinh nghiệm và kiến thức cũng chưa bao nhiêu. Cho nên trong bụng thực sự có “cầu trời” phò hộ. Vậy là tôi đã cầu trời từ lâu rồi, không đợi tới mùa Covid. Chủ trang trại bàn giao cho chủ mới (DN chỗ tôi) nhà làm việc, góc trên có cái bàn thờ nhỏ, chỉ có cái lư hương nhỏ. Tôi hỏi người bảo vệ cũ nay tiếp tục làm việc, người đó nói với giọng khá thành thạo, là làm ăn vùng ven biển phải thờ “BÀ CẬU”, và việc thờ cúng này khá phổ biến ven biển miền tây, nhất là giới đi ghe biển. Tích BÀ CẬU thì tôi từng biết khi ra thăm Côn Đảo. BÀ là thứ phi, CẬU là con của BÀ. Đây là câu chuyên dân gian, nói BÀ là thứ phi vua Gia Long khi trên đường tránh nạn Tây Sơn, tới gần Côn Đảo thì cả hai BÀ CẬU mất trên biển. Nhưng người giữ sổ hiện hành lại nói trong tộc phả nhà Nguyễn không có tên thứ phi này! Coi như là một câu chuyện giả sử dân gian. Mọi người có lòng tin, đã thờ, vậy là tôi giữ nguyên trang thờ đó, coi như tôn trọng những gì đã diễn ra. Vùng nuôi này cư dân nhiều nhất là người Khmer. Hồi nhỏ, sống trong quê sâu, tuy nhỏ tuổi nhưng mỗi lần theo má tôi qua các xóm, ấp lân cận, tôi chú ý những cái miếu thờ ven đường, lợp lá, bề rộng nhỏ dưới một mét. Bên trong miếu có cục đá màu gan gà, có nơi có miếng vải màu đỏ phủ lên. Dĩ nhiên có lư hương, và thỉnh thoảng có nải chuối xanh bên trong. Đó là nơi thờ cúng thần đất, ông địa của người Khmer, tiếng dân dã gọi là miếu ông Tà (Tà: tiếng Khmer nghĩa là ông). Ông Tà của người Khmer có đặc điểm chỉ khoái chuối xanh, khác ông địa Việt khoái chuối chín. Tôi có suy nghĩ là nhập gia tùy tục, mình sống trong vùng người Khmer cũng nên thờ ông Tà cho phải đạo! Ban đầu, chuyện làm trại tôm phải tính từng ly, từng tí nhằm tiết kiệm tối đa. Thậm chí cất mấy căn nhà đầu tiên cho nhóm lao động đầu tiên khai phá trại nuôi, tôi còn ra chợ đồ cũ mua chục cái cửa sổ và cửa cái một cánh, dĩ nhiên đồ cũ nhưng còn tốt và giá rất rẻ! Tôi mua vì lúc đó ít cộng sự, vì ai cũng “ngán” chuyện đi nuôi tôm, coi như đi vào ngõ cụt. Tôi có thói quen xấu là tôi tự tìm mua cho vừa cái tính toán trong đầu của mình. Tính toán trong đầu thì có ai biết mà mua cho vừa ý tôi! Do tính tiết kiệm, tôi thờ ông Tà chung trong bàn thờ BÀ CẬU. Bàn thờ nhỏ, vậy là tôi tìm ra cục đá tròn nhỏ, khá đẹp, để lên bàn thờ, có cái tiêu biểu là thờ ÔNG. Tôi nghiêm chỉnh với lời khấn “Ông, bà cậu phò hộ trại tôm trúng mùa, trại tôm sẽ cố gắng hết mình, khi trại tôm làm ăn khá sẽ cúng heo trả lễ ông, bà cậu, sẽ góp phần chăm lo phúc lợi địa phương để mọi người cùng hưởng ơn ban của ông, bà cậu!”. Dĩ nhiên hương là ba cây, đôi khi bội số của ba. Định kỳ nhân viên trại có đồ cúng trên bàn thờ, ông bà cậu hưởng chung nải chuối xanh. Những bụi chuối tôi trồng trong trại phát triển thành vườn, đâu phải chỉ ông bà cậu hưởng, cả trại tha hồ khi vào mùa. Không biết do tôi thực có lòng thành, tuy có chút ngây ngô nhưng lại được ông bà cậu chứng giám; hay do đội ngũ trại tôm làm việc hết lòng; trại tôm luôn có thành quả tốt lên từng vụ nuôi. Mỗi cuối năm, trại trả lễ heo quay; mỗi năm trại lo cả ngàn phần quà cho hộ nghèo chung quanh; cúng dường chùa gần đó khá nhiều tiền để nhà giảng hình thành kịp thời; hỗ trợ hàng năm địa phương tiền tỷ chi phí làm các cầu nông thôn… Hơn chục năm qua, mỗi lần về trại, tôi luôn có thắp nhang với lời khấn nội dung không thay đổi như trên. Riết thành nếp, trước khi ra về, thuộc quyền tôi hay hỏi là tôi thắp hương chưa! Dĩ nhiên, khi tôi không có mặt ở trại, lãnh đạo trại vẫn định kỳ chăm lo hương hoa trên bàn thờ nhỏ xíu mà đầy kỳ tích kia. Trại đã ăn nên làm ra trên chục năm, tạo nhiều kỷ lục “quốc gia” trong ngành.
       Chuyện này không phải nói chơi đâu, ai không tin cứ đến trại tôm của chúng tôi tận mục sở thị. Biết đâu trong kho tàng chuyện dân gian lại thêm câu chuyện có miếu thờ ÔNG BÀ CẬU và đã được ơn ÔNG BÀ CẬU độ, làm ăn khấm khá dài lâu. Nói dong dài, thật tình cá nhân tôi lại tin vào câu kết này, cũng chép trên mạng!

Tích thiện hồng hy lưu vĩnh xán
Kinh tài hậu lộc phát trường hưng!

Dịch:
Tích thiện phúc hồng lưu sáng mãi
Kinh tế tài lộc còn phát dài lâu!

       Ráng tích thiện nên trại tôi được ông bà cậu độ nên ăn nên làm ra, chớ không phải do ông bà cậu độ, trại có nguồn mới tích thiện. Khởi đầu nào phù hợp hơn, độc giả suy xét! Thực ra thời buổi này tích thiện chưa đủ lòng thành, cần lắm đam mê công việc, cầu tiến nỗ lực học hỏi, tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm, nâng tầm bản lĩnh mới là điều kiện cần và đủ vượt qua mọi khó khăn. Góc nhìn này cũng có phần tương đồng với quan niệm của CEO PAN, đó là NGHĨ LÀNH LÀM VỮNG!
                                                                                                                     Hồ Quốc Lực
                                                                                                                Thư giãn cuối tuần

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.