Hết tháng 10, doanh số FMC hợp nhất đạt 97,5% so doanh số năm 2021, trong đó cả hai FMC và KAF song hành cùng một tỉ lệ tăng trưởng. Đây là một thông tin khá tích cực trong bối cảnh đầy trắc trở cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.


     Trắc trở đó là tác động lạm phát toàn cầu khiến người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu, riêng con tôm còn bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ. Hàng tiêu dùng có thể chậm mua nhưng thực phẩm không thể thiếu, nhưng chắc chắn những mặt hàng có giá bình dân sẽ được chú ý hơn. Với tôm Việt tập trung khúc thị phần khá và cao cấp. Cũng may, khúc thị trường này đối tượng là người khá giả, nên mức độ suy suyển sẽ không nhiều.
     Hai năm qua FMC tập trung chủ động chuyển về thị trường gần nhằm tránh giá tăng ảo do chi phí cước tàu, và về với thị trường gần cũng nhằm phát huy lợi thế năng lực chế biến sâu của mình trong bối cảnh nguồn nguyên liệu không dồi dào do tình hình nuôi tôm năm nay bị dịch bệnh không nhỏ. Sách lược này đã thể hiện khá rõ tính hiệu quả. Song song đó, FMC phát huy một thế mạnh khác của mình là có quy trình nuôi tôm khá bền vững để tăng diện tích nuôi tôm, nhằm góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng. Đến thời điểm này cho thấy hai giải pháp FMC đã và đang thực thi đều có kết quả khả quan. Cũng nói rõ, hai giải pháp trên doanh nghiệp nào cũng biết nhưng sự vận dụng thì không ai đều có thể như ý. FMC coi Nhật Bản là thị trường trọng điểm hàng đầu của mình trong hơn 20 năm qua, có sẵn khách hàng tốt ở đây, nên sự tăng trưởng thị phần thị trường này thuận lợi, nhưng phải mất gần 2 năm mới thấy sự chuyển động rõ rệt. Còn nuôi tôm là lĩnh vực đầy rủi ro, biết bao doanh nghiệp tôm tham gia và thất bại, riêng FMC là một đặc thù trong lĩnh vực này, mát tay nuôi tôm có kết quả luôn khả quan!
     Ứng xử với khó khăn nêu trên còn kéo dài qua năm 2023, FMC đã có sự tính toán từ bây giờ:
     + Thị trường: Trong tháng qua, FMC đã thương thảo với nhiều hệ thống phân phối cấp cao ở Hoa Kỳ, đánh giá tình hình tới và khả năng đôi bên. Tổng quát là tôm đối thủ chưa theo kịp yêu cầu khúc thị trường cấp cao ở đây. Cơ hội tôm Việt chế biến sâu vẫn còn nhiều cơ hội, dù giá cả có thể bị tác động bởi giá tôm cấp thấp quá rẻ. Để duy trì thị phần ở đây, các nhà cung ứng tôm Việt phải chứng minh cho đối tác thấy rõ năng lực tổ chức sản xuất và quản trị chất lượng cũng như theo đuổi thực thi các chuẩn mực quốc tế, nhất là lĩnh vực phát triển bền vững. Đây là thế mạnh của FMC so với các đồng nghiệp trong nước. FMC cũng đã thương thảo khách hàng lớn ở Tây Âu và Nhật Bản. Tây Âu tiếp tục gặp khó do lạm phát và giá năng lượng tăng (ảnh hưởng lưu kho, tổ chức tiêu thụ…), cho nên hai bên nỗ lực tiết giảm chi phí, chia sẻ nhau kịp thời nhằm cùng nhau vượt qua các khó khăn. Xác định ở thị trường này tôm Ecuador vẫn chiếm lĩnh khúc sản phầm trung bình. Riêng khúc sản phẩm cao hơn, đối thủ tôm Việt sẽ là Indonesia, giá rẻ hơn tôm Việt. Ở Nhật Bản, tuy mức lạm phát cao nhưng do nắm sát tình hình của khách hàng, hai bên sẽ nỗ lực cung ứng kịp thời những gì thị trường cần nhằm tranh thủ cơ hội. Hai bên sẽ luôn liên lạc, trao đổi diễn tiến thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch. Nhìn chung, tại đây FMC có lợi thế hơn so các thị trường còn lại.
     + Sản phẩm: Do người tiêu dùng khó khăn về thu nhập, FMC phối hợp khách hàng chú trọng những mặt hàng mang tính chất phổ thông, quen tiêu dùng của khách hàng. Tuy nhiên, những mặt hàng nằm trong chuỗi sản phẩm chế biến sâu chớ không phải hàng thô. FMC có lợi thế là có thêm nhà máy mới sẽ có nhiều mặt bằng tổ chức sản xuất theo phương án này. Bên cạnh đó, hoạt động R&D vẫn duy trì, để khi khó khăn đi qua, FMC có nền tảng bứt phá.
     + Nuôi tôm: Nỗ lực đưa ngay khu nuôi mới 203 hecta vào nuôi ngay trong năm 2023, thay vì phải kéo dài 2 năm theo kế hoạch ban đầu. Đây là điều chưa có trong tiền lệ. Bởi trước đây hàng năm FMC tăng diện tích nuôi cao nhất chỉ 90 hecta. Do FMC nhận thấy thời tiết năm 2023 là trung tính, là điểm thuận cho nuôi tôm. Vả lại FMC tự tin có quy trình nuôi ổn thỏa, và nuôi nhiều sẽ có cơ hội giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với tôm các nước đối thủ. Từ tháng 10/2022 FMC đã tiến hành thi công làm ao khu nuôi mới này. Kế hoạch cuối quý 2/2023 sẽ thả nuôi vụ đầu tiên tại đây.
     Trở lại chuyện năm 2022. Hai tháng cuối năm sẽ là giai đoạn giảm mạnh doanh số xuất khẩu. Nguyên nhân do tình hình chung nêu trên, các kho hàng bên mua cơ bản đầy. Chuyện giao hàng cho gối đầu tiêu thụ năm 2023, phía khách hàng có e dè, chợ đợi kết quả tiêu thụ đợt Noel, năm mới tới. Tuy nhiên, các đơn hàng gối đầu, theo thông lệ vẫn diễn ra, tuy sản lượng không tăng trưởng như hàng năm. Với doanh số, FMC sẽ nỗ lực chạm kế hoạch 230 triệu USD, chí ít cũng tăng trưởng 10% so năm 2022. Tuy nhiên, con số căn bản hơn là lợi nhuận. Thời điểm này có thể xác định tình hình nuôi 2022 là khả quan, để FMC có con số lợi nhuận sẽ vượt nhẹ kế hoạch 320 tỷ đồng (trước thuế), khả năng tăng trưởng khoảng 20% so mức đạt năm 2022.
     Thời gian qua, FMC nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư, nhất là thông qua các công ty chứng khoán. Qua diễn đàn trực tuyến nhiều công ty chứng khoán, FMC đều công khai minh bạch thông tin hoạt động của mình. Qua đó ít nhiều tạo sự an tâm tới nhà đầu tư. FMC chỉ có thể nêu ra suy nghĩ trong điều hành hoạt động là Càng khó khăn, FMC càng thể hiện rõ hơn năng lực của mình! FMC tự tin dù năm 2023 có khó khăn to lớn như thế nào cũng không làm chùng bước hoạt động chung của FMC.

     Xin chân thành cám ơn các nhà đầu tư đã kiên nhẫn đọc tới dòng này…
     Hồ Quốc Lực
     Chủ tịch HĐQT

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.