Covid-19 đã tác động toàn thế giới gần hai năm qua. Diễn biến dịch bệnh này có cái chung là luôn ở trạng thái chực chờ bùng phát với sự tiến hóa của các biến thể chủng virus mới, tuy nhiên mỗi quốc gia, mỗi khu vực có cách ứng phó không như nhau và tác hại của dịch bệnh lên đời sống xã hội từng quốc gia cũng có sự khác biệt. Tác động rõ nét nhất đến kinh tế Việt Nam bắt đầu từ 6 tháng qua.

         Nếu Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về ca mắc Covid-19 và ca tử vong thì ngay sau đó cũng là quốc gia nhóm đầu phủ vaccine khắp nước, mà là loại tốt. Dẫn đến cuộc sống sớm trở lại bình thường mới, có nghĩa là chấp nhận sống chung với dịch bệnh, dù hàng ngày vẫn còn hàng chục ngàn ca mắc mới. Khối EU cũng trong xu thế này. Riêng Nhật Bản, chính sách phòng chống dịch có khác, vaccine phủ chậm hơn và thậm chí thủ đô Tokyo mới mở cửa lại từ 1/10/2021 sau nhiều tháng phải thắt chặt. Các quốc gia, khu vực trên là những thị trường tiêu thụ tôm trọng điểm của tôm Việt. Tình hình phòng chống dịch của các quốc gia này có ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thực phẩm nói chung và con tôm nói riêng, mặt hàng thực phẩm đầy bổ dưỡng nhưng giá không thấp, chỉ phù hợp túi tiền người tiêu thụ có mức thu nhập khá trở lên.

         Sao Ta có sự phân tích dưới đây nhằm có nhận định đầy đủ hơn diễn biến thị trường trong mối tương quan tác động từ Covid-19 để có sách lược kinh doanh phù hợp hơn cho mình. Cụ thể như sau:

 Biểu I: Thị phần theo doanh số 9 tháng đầu năm của Sao Ta, đã hợp nhất FMC và công ty thành viên KAF:

STT

Thị trường

Thị phần

(%)

Doanh số

(triệu USD)

1

Hoa Kỳ

32.2 %

46,6

2

EU và Anh

27.4 %

39,7

3

Nhật Bản

26.6 %

38,5

4

Úc

7.0 %

10,1

5

Hàn Quốc

6.8 %

9,9

 

Biểu II: Thị phần (%) theo doanh số năm 2020 và 9 tháng năm 2021 của Sao Ta:

STT

Thị trường

Năm 2020

9 tháng đầu 2021

 

Hoa Kỳ

27.6 %

32.2 %

 

EU và Anh

30.5 %

27.4 %

 

Nhật Bản

26.2 %

26.6 %

 

Úc

6.2 %

7.0 %

 

Hàn Quốc

6.0 %

6.8 %

          

         Qua biểu II, có các nhận xét:

         1. Thị phần ở Hoa Kỳ tăng. Tỉ lệ tăng này đi liền tỉ lệ giảm ở EU. Chứng tỏ Hoa Kỳ đã “mở cửa” tiêu dùng sớm và nhu cầu thực phẩm, trong đó có tôm tăng lên. Thị phần tôm Việt ở Hoa Kỳ cũng có mức tăng từ khoảng 8% (2020) lên gần 10% (9 tháng đầu 2021).

         2. Thị phần EU và Anh giảm 10% từ 30.5% (cả năm 2020) xuống 27.4% (9 tháng đầu năm 2021), chỉ là giảm tương đối, con số tuyệt đối không giảm, do doanh số Sao Ta tăng 12% trong 9 tháng đầu năm 2021. Nguyên nhân, thị trường này đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn truy xuất thuận lợi. Tình hình lĩnh vực nuôi tôm ta chưa thúc đẩy công tác này (đánh mã số cơ sở nuôi) vì còn nhiều quy định chưa phù hợp thực tế và dịch bệnh thời gian qua.

         3. Thị phần ở Nhật Bản duy trì ổn định. Đó là nhờ vào mảng cung ứng bán lẻ của FMC lớn. Tuy nhiên, từ 1/10/2021 Tokyo mở cửa, hứa hẹn lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng sẽ tăng nhu cầu, quý 4 FMC sẽ tăng cung ở thị trường này.

         4. Các thị trường khác là thị trường tiềm năng, duy trì ổn định gồm Úc và Hàn Quốc.

         Tất cả các quốc gia đều có nhận định chung là không thể xóa sổ Covid-19 trong tương lai gần, cần phải linh hoạt thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả để sống chung với Covid-19 và phát triển kinh tế. Không thể để mãi tình trạng phong tỏa, đóng cửa, giãn cách. Nền kinh tế mất rất nhiều thời gian để phục hồi nếu đóng cửa quá lâu, và mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Giải pháp hiệu quả tức thì là các nước tăng tốc phủ vaccine cho người dân, tỷ lệ phủ càng cao càng tốt.

         Rõ ràng, các thị trường nhập khẩu chính tôm Việt đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vaccine diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19. Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, du lịch từng bước mở cửa trở lại. Điều đáng chú ý là lượng trữ kho của các thị trường nhập khẩu này không còn sẵn nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu thụ các dịp lễ hội trong năm trong khi các nguồn cung tôm lớn như Ấn độ, Indonesia,… bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chưa hồi phục sớm. Do vậy tôm Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu nếu biết tận dụng cơ hội.

         Từ nhận xét trên, Sao Ta rút ra những vấn đề để có hướng đi lâu dài trên cơ sở dịch bệnh vẫn sống chung với thế giới thêm thời gian không ngắn. Đó là:

         + Thị trường, khách hàng luôn linh hoạt trong giai đoạn này. Các quốc gia tùy tình hình thực tế và chính sách phòng chống dịch sẽ có độ mở cửa kinh tế phù hợp. Trên nền tảng có sự nhận định, đánh giá diễn biến Covid-19 từng quốc gia – thị trường để có sự tính toán đón đầu phù hợp. Một điều chắc chắn, nhu cầu về thực phẩm luôn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh. Dưới tác động của Covid-19, nhóm ngành trong lĩnh vực thực phẩm ít bị ảnh hưởng hơn so với vài ngành khác.  

         + Covid -19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng, dòng thực phẩm tiện lợi, đóng gói nhỏ ngày càng được ưa chuộng. Phân khúc bán lẻ, siêu thị đã thể hiện hoạt động tốt trong giai đoạn mùa dịch Covid-19. Nay, các quốc gia đang từng bước khôi phục lại mảng thị trường dịch vụ trên nền tảng việc phòng chống dịch các quốc gia – thị trường đã đi vào giai đoạn thể hiện sự đúng hướng hơn hẳn. FMC có lợi thế với trình độ chế biến cao và lượng khách hàng ổn định ở cả hai lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ nên có thể phát triển song song cả hai lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ khi kinh tế phục hồi.

         + Tiếp tục mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn theo quy định (ASC) để có thêm sản phẩm có truy xuất nguồn gốc thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hầu hết các khách hàng, đặc biệt khách hàng EU.

         + Hoạch định việc nâng cao năng lực chế biến và tiếp tục mở rộng quy mô trên nền tảng lĩnh vực nuôi được Bộ ngành quan tâm thúc đẩy, ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 và nhất là có một lực lượng người lao động không nhỏ vừa quay về từ các tỉnh thành công nghiệp thời gian qua và không có suy nghĩ trở lại nơi cũ làm việc. Đặc thù, có nhiều sản phẩm tôm chế biến của ta đặc biệt sản phẩm giá trị gia tăng, những công đoạn chế biến cuối cùng phải thực hiện lao động bằng tay (hand-made), chưa thể thay thế tự động hóa hoàn toàn. Nếu có thể bổ sung thêm lực lượng người lao động quay về từ các tỉnh thành thì các công ty chế biến thủy sản sẽ gỡ được nút thắt về lao động. Tuy nhiên, chế biến thủy sản là ngành lao động khá nặng nhọc mặc dù thu nhập có thể cao hơn các ngành khác trong tỉnh. Một số lượng lớn lao động quay về tỉnh nhà, mặc dù họ cũng có nhu cầu tìm việc làm để ổn định cuộc sống, nhưng họ cũng có “quyền chọn lựa” khi đứng trước nhiều sự lựa chọn vì vẫn còn nhiều ngành nghề khác cũng cần tuyển dụng lao động. Do đó để thu hút và giữ chân lực lượng người lao động quay về vào làm ở công ty chế biến thủy sản cũng là bài toán khó.

         Tóm lại, tranh thủ thời cơ luôn là một giải pháp mang tính chất lâu dài của Sao Ta. Muốn vậy, Sao Ta phải tốn công sức để “tìm” ra nó và cũng không lơ là việc tự hoàn thiện mình. Mọi số liệu đều có “sức sống” của nó. Sao Ta coi đó là một nguồn thông tin cần thiết bên cạnh việc quan tâm thu thập các thông tin diễn biến khác trên thế giới, nhất là tại các quốc gia có mức cung và cầu tôm lớn. Bài học này không chỉ của riêng doanh nghiệp nào, nhưng học thuộc và thực hành bài học là điều không dễ.

         17/10/2021

         FMC- Phòng Kinh doanh

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.