Tin Sao Ta

 

         Tháng 9 này thành phẩm tôm chế biến đạt 2.390 tấn (1.125 tấn) và doanh số tiêu thụ đạt 17,9 triệu USD (11,7 triệu USD); đều tăng mạnh so cùng kỳ năm trước.
         Tổng doanh số tiêu thụ 9 tháng đầu năm đạt 138,1 triệu USD tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2019.
         Nuôi tôm: Cuối năm thời tiết chuyển lạnh do hiện tượng La Nina, không tốt cho tôm. Nên đã thả giống sớm vụ II. Tất cả sẽ được thu hoạch trong năm.

 

 

 

 

         Tôi nhận nhiều thông tin từ cổ đông và các anh chị giới truyền thông muốn làm rõ một số nội dung. Những vấn đề có nhiều người quan tâm, tôi đã có trả lời trên website này để khỏi mất nhiều thời gian của các bạn. Nay, tôi xin lý giải thêm một nội dung là thành lập doanh nghiệp (DN) mới có ngành nghề tương đồng thì có tự tạo ra đối thủ cho mình hay không?
         Hai DN có ngành nghề không hẳn tương đồng hoàn toàn. Thế mạnh của hai DN là tôm – nông sản, tôm.
         Trong mọi mặt hoạt động trên thương trường, có lệ chơi ngầm riêng. Đôi khi đó là bí mật kinh doanh, cũng khó mà lý giải cho hết ý mà vẫn giữ được các điều cần thiết chưa thể nói nhằm giữ sức cạnh tranh cho mình. DN A xây khách sạn ở quận 1, lại xây khách sạn ở quận 7. Như vậy có tự tranh khách nhau? Thật ra hai khách sạn này (cùng nghề) có chiến lược nhắm đến khúc khách hàng khác nhau và cũng đôi khi do năng lực, tầm quản trị sao cho phù hợp. Giả sử một thị trường tiêu thụ có chục hệ thống phân phối lớn, cạnh tranh với nhau khiến họ không mua hàng chung chỗ cung ứng. Nhiều nhà cung ứng hơn thì có thể tranh thủ nhiều hơn khách hàng là như vậy. Hai lằn in đậm là những khác biệt nổi trội của 2 DN (còn khác biệt khác như nông sản/tôm...).
         Theo tôi, đây là một câu hỏi…vui vui. Bởi đâu có ai tự bắn vào chân mình!
         Những thắc mắc khác như vì sao Sao Ta tăng tiền vay ngân hàng? Diễn biến môi trường kinh doanh vô chừng. Sau khi cân nhắc, nhận định thì thực thi, kết quả còn phía trước. Sắp tới tôm nguyên liệu giảm sụt vì dịch bệnh, Sao Ta tăng dự trữ nguyên liệu và trong năm 2020 đầu tư toàn diện một trại nuôi lớn 90 hecta (vốn cố định và lưu động cao điểm trên 200 tỷ). Mặt khác giai đoạn này vào vụ, doanh số tăng mạnh, dòng vốn còn kẹt một phần trên lưu thông, nên nguồn tiền có biến động trong ngắn hạn là chuyện bình thường.
         Rất cám ơn các nhà đầu tư, cổ đông và các anh, chị giới truyền thông đã gởi nhiều vấn đề cần làm rõ, chứng tỏ nhiều người quan tâm tới hoạt động của Sao Ta. Đây là một chuyện vui vẻ hơn là bận rộn. Cho nên, mọi người có thắc mắc gởi email về tôi theo địa chỉ quocluc@fimexvn.com. Sẽ nhận hồi báo nhanh nhất.
         Trân trọng và chân thành cám ơn lần nữa.
         Hồ Quốc Lực
         CT HĐQT

 

 

         VÌ SAO THỊ PHẦN TÔM VIỆT TẠI THỊ TRƯỜNG EU SỤT GIẢM?

          Để lý giải nội dung này, chúng ta tìm hiểu số liệu cụ thể: 

Thị trường

Năm 2019 (%) / Hạng

6 T đầu 2020 (%) / Hạng

Ghi chú

     EU

     20,51                1

           13,2                4

     -7,31

     Mỹ

     19,44                2

           21,2                1

 

   Nhật

     18,39                3

           18,3                2

 

TQ & HK

     16,14                4

           14,9                3

 

Nguồn

Bản tin 4-2020 Vasep

Bản tin 26-2020 Vasep

 

         

         Qua số liệu trên cho thấy trật tự thứ hạng thị phần tôm Việt có đột biến. Thị phần tôm Việt ở EU từ hạng cao nhất xuống hạng 4, ba thị trường còn lại giữ nguyên trật tự nhưng cùng tăng bậc. Trong đó, chú ý là tăng trưởng mạnh ở Mỹ, tăng nhẹ ở Nhật (số tuyệt đối). Giảm nhẹ ở TQ&HK và giảm nhiều ở EU.

         Thực tế những năm qua, nhất là sau khi Thái Lan không còn ưu đãi thuế quan ở EU thì tôm Việt đã tăng dần thị phần ở EU vì còn ưu thế có ưu đãi thuế quan, mức thuế giảm khoảng một nửa. Năm 2019 thị phần tôm Việt ở đây đã vượt qua Mỹ, vốn là thị trường hàng đầu tôm Việt nhiều năm liên tục. Tiến trình đàm phán EVFTA góp phần tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp (DN) tôm Việt quan tâm ở đây, bởi sau khi FTA có hiệu lực thì sức cạnh tranh tôm Việt tăng thêm một bước lớn (do thuế giảm theo lộ trình hoặc về ngay bằng 0 tùy mặt hàng). Theo lý thuyết thì thị trường EU sẽ ngày càng lớn với tôm Việt, nhưng thực tế các tháng đầu năm 2020 không phản ảnh đúng như vậy, thậm chí còn bước sụt giảm khá nhiều.

         Nguyên nhân gây biến động trên do đâu? Phải có số liệu chi tiết hơn, như sản lượng tiêu thụ, cơ cấu nhập khẩu tôm vào EU thì mới chính xác hơn. Tuy nhiên, khi chưa có đủ thông tin, có thể lý giải theo thực tế đã diễn ra. Tôm giá rẻ của thế giới là tôm từ Ấn Độ và Ecuador. Thị phần lớn nhất của tôm Ấn là Trung Quốc và Mỹ. Thị phần lớn tôm Ecuador là Trung Quốc, EU. Việc tiêu thụ tôm vào Trung Quốc gặp khó vì tình trạng Covid-19 tác động và đôi lúc tôm Ecuador có phát hiện Covid-19 ngoài bao bì khiến nhiều lần tôm Ecuador gặp khó. Ecuador có FTA với EU hiệu lực từ đầu năm 2017. Với lợi thế giá rẻ và không thuế, tôm này dễ dàng tăng trưởng ở EU. Tôm Ấn Độ chưa có FTA ở EU nhưng có lợi thế giá bán rẻ và mức chế biến thô có mức thuế không cao. Mặt khác, tác động Covid-19 đã làm thay đổi thói quen lẫn khả năng mua sắm của người tiêu dùng khiến các mặt hàng tôm giá trị cao ít được quan tâm, tôm giá rẻ càng có thêm xung lực lên ngôi. Tôm Việt, lợi thế khúc thị phần cấp cao hơn, do trình độ chế biến cao. Tôm Việt có giá thành tôm nuôi, giá thành tôm thành phẩm cao hơn mặt bằng thế giới, cho nên hạn chế cạnh tranh tôm chế biến cấp thấp và giá rẻ. Những tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt tăng trưởng khá tốt, dù một con số. Sự tăng trưởng này tập trung vào thị trường Hoa Kỳ và ở khúc thị phần trung cao, vốn là thế mạnh tôm Việt.

         Tóm lại, diễn biến thị phần tôm Việt tuy có điểm “lạ”, nhưng đó chỉ là nhất thời, giai đoạn do khách quan. Ở đây, có thể tóm gọn là do tác động từ Covid-19. Khi có vaccine hay Covid-19 tan biến, mọi việc trở lại bình thường. Lúc đó thị phần tôm ở EU sẽ tiếp tục dẫn đầu vì lợi thế thuế quan.

 

 

         Trong ngành thuỷ sản, tôm thẻ chân trắng và cá tra có kim ngạch xuất khẩu cao. Trong đó những doanh nghiệp (DN) lớn về tôm và cá tra đã không ngừng lớn mạnh, thu nhiều lợi nhuận. Nhưng song song đó, không ít những người nuôi tôm, nuôi cá tra đã phá sản những năm qua. Tình trạng này chưa dừng lại... Nhìn bên ngoài như đang có một mâu thuẫn giữa hai mắc xích chủ chốt của chuỗi giá trị con tôm, con cá tra!
         Để lý giải vấn đề này, phải tìm hiểu sâu xa hơn hoạt động của từng sản phẩm. Những điểm lưu ý:
         + Các DN chế biến hai ngành đều rất đông đảo. Xu thế, số lượng giảm dần do quá trình sàng lọc trong kinh doanh; nhất là qua các biến động lớn, cụ thể đợt khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2009 (tác động nhiều DN tôm) và diễn biến cung cao hơn cầu 2011-2020 (cá).
         + Tốp DN lớn tôm lẫn cá đều có biến động, nhiều DN lớn đã không thể giữ được vị thế của mình, không ít đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Không phải là DN lớn nào cũng mạnh.
         + DN tôm lớn nuôi tôm chưa nhiều, chưa phổ biến. DN cá lớn đều có vùng nuôi, có thể tự cung tới trên 50% nhu cầu nguyên liệu cá. Điều này có tác động tới số nuôi còn lại, vì có ít thông tin hơn về diễn biến giá cả.
         + Theo quan sát, các DN tôm, cá tra hoạt động yếu kém chủ yếu do năng lực quản trị hơn là do yếu tố khách quan.
         + Các hộ, trang trại nuôi tôm thất bại chủ yếu do dịch bệnh trên tôm kéo dài hơn là do giá cả biến động. Những hộ, trang trại nuôi có lãi là nhờ vào sự cần cù, nhạy bén trong việc vận dụng các thành tựu mới, các kinh nghiệm quý, các mô hình nuôi tiên tiến nhất.
         + Các hộ, trang trại nuôi cá tra lỗ lã chủ yếu do giá cả xuống thấp kéo dài hơn là do dịch bệnh trên cá. Mặc dù hiện nay việc nuôi cá ngày càng khó, nguyên nhân có thể do thoái hóa con giống và môi trường có xu hướng xấu đi. Các hộ, trang trại nuôi có lãi là nhờ biết thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm giá thành; chọn lọc con giống tốt và quy trình nuôi chuẩn mực.
         Trong thực tế không phải chỉ các DN lớn thành công. Nhiều DN nhỏ hơn cũng luôn có kết quả hoạt động tốt. Điểm chung các DN thành công là có nhà quản trị cấp cao bản lĩnh hơn. Thể hiện những DN này hoạt động có chiến lược, luôn chú trọng nâng cao công tác quản trị và quan tâm tranh thủ các cơ hội kinh doanh.
         Hoạt động có chiến lược là tính toán cho dài hạn, không bóc ngắn cắn dài. Chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu, minh bạch hoạt động và quan tâm chung tay bảo vệ môi trường.
         Nâng cao năng lực quản trị là ngoài việc học hỏi, rút kinh nghiêm nâng cao bản lĩnh, còn chú trọng ứng dụng các công cụ quản trị để việc kiểm soát được kịp thời và chính xác hơn. Thí dụ ứng dụng công cụ quản trị ERP để có bài toán tối ưu cho từng tình huống.
         Tranh thủ các cơ hội kinh doanh là có sự quan tâm chặt chẽ các diễn biến mọi mặt trên thế giới để thúc đẩy hoạt động của mình. Thí dụ thông tin tôm nuôi bị dịch bệnh từ cường quốc tôm đối thủ sẽ khiến giá cả tôm thế giới có thể có biến động; thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng sẽ là cơ hội tôm bao bột thâm nhập vào Mỹ; EVFTA có hiệu lực khách hàng từ EU sẽ qua Việt Nam nhiều hơn...
         Tổng quát, các DN chế biến tôm, cá lớn mạnh, phát triển là nhờ họ đã chủ động nỗ lực nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị; hoạt động có bài bản và xây dựng chiến lược hoạt động dài hạn. Họ đã vượt qua biết bao đồng nghiệp và cái giá trả không phải nhỏ; biết bao khó khăn phải chịu đựng và vượt qua; bao rủi ro phải chấp nhận. Các hộ, trang trại nuôi tôm, cá bị thua lỗ do tác động khá lớn từ hoàn cảnh khách quan. Tuy nhiên, cũng có những hộ, trang trại có lãi là nhờ họ đã năng động, nhạy bén, biết lách ra những cánh cửa hẹp.
         Tóm lại, vấn đề nêu ra hình ảnh DN chế biến tôm, cá mạnh bên cạnh hộ nuôi tôm, cá thua lỗ là chưa thể hiện đầy đủ thực tế. Bởi bên cạnh đó không ít DN tôm, cá đóng cửa và cũng khá nhiều hộ nuôi có lãi. Không có gì mâu thuẫn giữa hai mắc xích này. Nó chỉ nêu lên sự khác biệt giữa các nhà quản trị bản lĩnh và yếu kém và tương tự trong lĩnh vực nuôi, dù lĩnh vực này bị tác động khá lớn từ yếu tố khách quan.
         Trả lời câu hỏi tiếp theo: Năm 2019 thị trường EU chiếm hàng đầu tôm Việt. Vì sao những tháng đầu năm 2020 thị trường này chỉ ở hạng thứ 4?

      

 

 

         Với trách nhiệm chủ tịch Hội đồng quản trị FMC, thời gian qua, sau khi FMC có thông tin tái cơ cấu hoạt động của mình từng bước, tôi đã có nhiều phản hồi những vấn đề đặt ra từ các nhà đầu tư, cổ đông gắn bó FMC.
         Tuy nhiên, có những câu hỏi tôi đã trả lời nhanh, nhưng cũng có những câu hỏi nội dung rộng hơn, tôi hẹn sau khi đủ thông tin, tôi trả lời sau. Rất cám ơn nhiều cổ đông đánh giá tôi ‘cao”, coi tôi như “chuyên gia”, đưa ra những câu hỏi khá hóc búa, chẳng hạn Có mâu thuẫn không khi thông tin tình hình nuôi tôm, nuôi cá tra có kết quả xấu cho người nuôi; thì những DN tôm, cá lớn lại thu lợi lớn, quy mô ngày càng phát triển? Tôi thiết nghĩ FMC nằm trong “khuôn khổ” câu hỏi này. Xin phúc đáp sau.
         Nay để các cổ đông nào còn muốn biết thêm thông tin về tái cơ cấu hoạt động FMC, tôi mạn phép nêu ra đây những gì đã trao đổi trước đây, để ai chưa nắm thông tin, ghi nhận nhanh hơn.
         1. Về việc thành lập công ty mới Khang An, là nhằm mục đích:
         - Phát triển mạnh hơn mảng nông sản chế biến. Bởi xu thế người tiêu dùng ngày càng chuộng thực phẩm từ thực vật. Mảng nông sản đã có những mặt hàng đột phá, nhưng thời gian qua tăng trưởng còn chậm.
         - Tạo cơ hội cho lực lượng kế thừa sớm có cơ hội phát huy năng lực, giúp FMC sàng lọc nhân sự cấp cao về lâu dài tốt hơn.
         - Do tính thời vụ của nông sản, để tận dụng thời gian nhàn rỗi cũng như cơ sở vật chất, Khang An sẽ kinh doanh tôm. Tuy nhiên, sẽ tập trung vào mảng tôm cao cấp và sẽ tổ chức khu nuôi tôm đáp ứng một phần nguyên liệu cho hoạt động.
         - Khang An - một nhà cung ứng mới sẽ có cơ hội thu hút thêm mảng khách hàng, giúp hoạt động của hai công ty thuận lợi hơn.
         2. Về việc FMC tăng vốn điều lệ 20% và tiến trình đó phải tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào 18/10/2020, xuất phát từ:
         - Nhận định diễn biến thị trường, xu thế người tiêu dùng trong tương lai.
         - Tăng sức cạnh tranh (phải có nhà máy mới, tiên tiến thu hút khách hàng cấp cao) tăng quy mô hoạt động.
         - Đánh giá khả năng tổ chức nuôi tôm, có nhiều nguyên liệu đạt chuẩn vào thị trường EU. Thị trường này có lợi thế do thuế về bằng 0 hoặc giảm theo lộ trình.
         - Tạo cơ hội cho lực lượng kế thừa có cơ hội phát huy năng lực.
         - Tầm nhìn lâu dài, sẽ chuyển toàn bộ các cơ sở chế biến vào khu công nghiệp.
         Xin cám ơn mọi người.
         Trân trọng.
         Hồ Quốc Lực

 

 


         Tháng 8/2020 hoạt động chế biến và tiêu thụ tôm của FMC đã tự phá vỡ các kỷ lục trước đó của mình. Cụ thể chế biến tôm 2.468 tấn, tiêu thụ 2.195 tấn, doanh số chung 23,6 triệu USD.
         Doanh số chung 8 tháng đầu năm đạt 120,6 triệu USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ này có cao hơn tỷ lệ chung của ngành tôm (khoảng 8%).
         Nuôi tôm có gặp khó khăn là dịch bệnh tôm khá mạnh mẽ ở đồng bằng. Đây cũng là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu thời gian còn lại của năm của cả ngành chế biến tôm.
         FMC đã có thông tin hình thành một doanh nghiệp mới do FMC chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối. Doanh nghiệp này sẽ chính thức hoạt động từ đầu năm 2021, chuyên sâu mảng nông sản và có cả mảng tôm chế biến sâu. Việc sắp xếp lại tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm nhiều mục đích như khuếch trương mảng nông sản/ thu hút thêm mảng khách hàng/ cơ hội thế hệ kế thừa phát huy, thể hiện năng lực/ phát triển mảng tôm chế biến sâu hơn... Song song đó, Sao Ta sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chế biến của mình.

 

 

       Thành phẩm tôm chế biến 2.268 tấn, doanh số 20,3 triệu USD.
       Đây là tháng có sản lượng chế biến và doanh số cao nhất trong 25 năm hoạt động.
       Vụ tôm chính đã thu hoạch 2.300 tấn. Đang triển khai vụ II trong năm.
       Diễn biến Covid-19 thời gian gần đây chưa có tác động rõ rệt đến hoạt động FMC. FMC thường xuyên trao đổi thông tin các khách hàng tiêu thụ nhằm nắm tình hình kịp thời để có giải pháp ứng xử phù hợp.

 

         Covid-19 đã diễn ra 6 tháng. Trong đó hai tháng gần đây, kinh tế chung đang hồi phục, có ngành tôm.
        Tuy nhiên, trong ngành tôm không phải vẹn toàn tất cả. Có doanh nghiệp (DN) tốt lên và ngược lại. Tất cả do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
         Khách quan như do cơ cấu thị trường, khách hàng DN có sẵn, do dịch bệnh trên tôm nuôi. Chủ quan là sự chủ động ứng phó tình hình có liệu định và giải pháp phù hợp. DN có thị phần nhiều ở các nước bị tác động mạnh từ Covid-19 như Trung Quốc sẽ giảm tiêu thụ mạnh và kéo dài, chưa xác định thời gian hồi phục hoàn toàn. DN nào có khách hàng tập trung tiêu thụ ở khu vực nhà hàng, khách sạn cũng rơi vào khó khăn chưa biết ngày vãn hồi do hạn chế đi lại khiến nhà hàng, khách sạn vắng khách. Dịch bệnh trên tôm nuôi trong nước cũng gây khó cho việc xác định giá thành tôm tiêu thụ vì giá tôm nguyên liệu trồi sụt bất thường. Mặt thuận, các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... nhất là Trung Quốc bị tác động từ Covid-19 khá nặng nề, khiến chuỗi cung ứng tôm của họ ít nhiều bị gián đoạn. Vì an toàn, nhiều hệ thống tiêu thụ tôm lớn tìm về Việt Nam. Các DN có tính toán chủ động ứng phó Covid-19 như tính toán tiêu thụ hàng tồn kho; tính toán khối lượng hợp đồng tiêu thụ tương lai với giá cả phù hợp; và nhất là biết thực hiện các qui định giãn cách trong thời gian dịch bùng phát nhằm giữ an toàn cho người lao động trong DN và giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh.

Xem tiếp...

Sáu tháng đầu năm, yếu tố được quan tâm và tác động nhiều nhất đối với ngành tôm là Covid-19, hiện nay tác hại của nó chưa được khống chế triệt để.
Chính phủ chúng ta đã có tầm nhìn và giải pháp phòng chống dịch đúng đắn, hiệu quả. Do vậy, nền kinh tế đang hồi phục, có ngành tôm.
Qua 6 tháng, sơ kết hoạt động FMC như sau:
- Chế biến tôm thành phẩm: 7.631 tấn (cùng kỳ năm rồi là 7.704 tấn).
- Tiêu thụ tôm thành phần: 6.945 tấn (cùng kỳ năm rồi là 6.636 tấn).
- Doanh số tiêu thụ chung: 76,7 triệu USD (cùng kỳ năm rồi là 70,7 triệu USD).
- Nuôi tôm: Đến ngày 30/6 đã thu 155 ao, được 1.500 tấn và đang tiếp tục thu số còn lại.
Như vậy, khó khăn đầu năm do thiếu nguyên liệu, nên sản lượng chế biến có giảm nhẹ, nhưng tiêu thụ đã tăng 4,7% về sản lượng và 8,5% về giá trị.
Lợi nhuận: Do phí tăng và năm nay tôm nuôi bị tác động không nhỏ vì dịch bệnh nên hệ số thức ăn cao, lợi nhuận có bị giảm. Khả năng tiền lãi ngang với cùng kỳ năm rồi.

 

Đại hội đồng cổ đông thường niên ("ĐHĐCĐ") 2020 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta được tổ chức thành công vào ngày 12/6/2020.

Kính mời Quý cổ đông xem chi tiết tại đây:
- Nghị quyết ĐHĐCĐ 2020;
- Biên bản họp ĐHĐCĐ 2020;
- Biên bản kiểm phiếu biểu quyết;
- Biên bản kiểm phiếu bầu cử.

Trân trọng cảm ơn.

 

      Từ tháng 5 hoạt động FMC ổn định trở lại.
      Trong tháng tôm vào mùa vụ, qua đó chế biến 1.760 tấn tôm thành phẩm, bằng 105% so năm rồi. Tuy nhiên, doanh số đạt 15,3 triệu USD tăng mạnh so tháng 4 nhưng chỉ bằng 96% so cùng kỳ năm rồi.
      Từ tháng 6 hoạt động sẽ khởi sắc hơn. Trại tôm đi vào thu hoạch, trong tháng đã thu 39 ao. Số còn lại sẽ thu trong tháng 6. Sau đó, tiến hành thả nuôi vụ kế tiếp. Tôm nuôi vượt qua dịch bệnh nhưng lớn có hơi chậm, có lãi.

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.