Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế mà chúng ta phải đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình KTTH chú trọng vào quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, nó khác với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (KTTT): khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải lớn.

 

         So với mô hình KTTT thì KTTH mang lại nhiều lợi ích: 1) Giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; 2) Giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; 3) Hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; 4) Giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, KTTH cũng đòi hỏi những nguồn lực đầu tư lớn về công nghệ, nhân lực và doanh nghiệp nên xem đó là chiến lược lâu dài.

         Tiềm năng áp dụng KTTH tại Việt Nam còn nhiều, trong đó các nhà máy chế biến thủy sản có thể tận dụng các phế phẩm để làm ra các sản phẩm có giá trị cao hơn như: tách chiết và tinh chế collagen từ da cá tra, sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá basa; sản xuất bột cá từ đầu, xương, thịt vụn; sản xuất chitin từ vỏ tôm. Việc tận dụng mái nhà xưởng lớn và các trại nuôi tôm cũng có thể đầu tư vào năng lượng mặt trời.

         Trong những năm qua, FMC liên tục đầu tư thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm mức độ sử dụng nguyên vật liệu, điện và nước một cách hiệu quả, làm cơ sở để giảm thiểu chất thải phát sinh, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường.

         Ở lĩnh vực tiết kiệm nước, FMC đã thực hiện các giải pháp: gắn van tại đầu vòi nước để thuận tiện cho công nhân sử dụng; định kỳ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước để phát hiện và sửa chữa kịp thời các chỗ rò rỉ, hư hỏng; sử dụng vòi xịt áp lực để vệ sinh nền xưởng nhằm giảm lượng nước sử dụng; lắp đặt các đồng hồ nước để giám sát tình hình sử dụng nước; xây dựng định mức tiêu thụ nước để làm cơ sở kiểm soát và quản lý sử dụng nước.
         Tác động của hoạt động nuôi tôm có thể làm ô nhiễm môi trường nước tại khu vực, dẫn đến rủi ro khai thác không bền vững. Ý thức được điều này, FMC đặt mục tiêu khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước, tất cả nước thải từ ao nuôi được xử lý trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, công ty cũng đóng góp kinh phí cho địa phương trồng rừng để bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái ven biển.
         Để sử dụng điện tiết kiệm, FMC đã thực hiện các giải pháp: lắp đặt các đồng hồ để đo đạc điện và lập hệ thống giám sát tình hình tiêu thụ điện; xây dựng định mức tiêu thụ điện chuẩn với từng bộ phận để làm cơ sở theo dõi và đánh giá; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh định kỳ các thiết bị trao đổi nhiệt như bình ngưng, dàn ngưng và dàn bay hơi; sử dụng cửa nhập kho lạnh tự động để giảm thất thoát nhiệt; bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống các máy móc, thiết bị; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như biến tần cho các động cơ thường hoạt động non tải hay tải thường xuyên thay đổi như: quạt lò hơi, bơm nước lạnh, bơm nước giải nhiệt, máy nén khí; bố trí bóng đèn, công tắc hợp lý, đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng; sử dụng đèn Led giúp tiết kiệm điện và giảm lượng khí thải CO2 vào không khí.
         Trong hoạt động sản xuất, các phế phẩm (vỏ, đầu tôm) và phế liệu (giấy thùng carton, bọc nilon) được bán cho nhà thầu có chức năng tái chế, một phần túi nilon được công ty thực hiện tái chế thành lưới ngăn cua, sử dụng cho ao nuôi tôm. Việc này tiết kiệm được chi phí so với mua bên ngoài, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
         Để chủ trương thực hành tiết kiệm có hiệu quả, công ty thường xuyên tổ chức đào tạo, tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm trong việc sử dụng nguyên vật liệu, điện, nước… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp quản lý và công nhân hình thành nên thói quen tiết kiệm trong sinh hoạt và làm việc của mọi người.

        Mặc dù chưa có được mô hình KTTH trọn vẹn nhưng FMC nhận thức được việc chuyển dịch theo hướng KTTH, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. FMC luôn tìm kiếm cơ hội và hành động để đóng góp vào sự phát triển cuộc sống của cộng đồng, giảm thiểu tối đa các hệ quả tiêu cực, chung tay thực hiện KTTH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
         NGUYỄN VĂN CƯ
         TRỢ LÝ TGĐ