Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại mà không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo và tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động và thực vật.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại và đã trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho DN trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, DN còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh của DN, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Ngày 18/5/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức Lễ phát động chương trình đánh giá, công bố DN bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) 2021. Các DN tham gia chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số kết quả phát triển bền vững, Chỉ số quản trị; Chỉ số môi trường; và Chỉ số lao động - xã hội.
Dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô DN khác nhau. 53 chỉ số ký hiệu M dành chung cho tất cả loại hình DN, và là các chỉ số tối thiểu dành cho các DN nhỏ và siêu nhỏ. 28 chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho DN vừa và lớn, và 38 chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện DN ngoài việc tuân thủ pháp luật thì còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.
Năm nay, ngoài các hạng mục biểu dương của chương trình như những năm trước, còn có thêm giải phụ.ptbv-20211
+ Các hạng mục biểu dương hàng năm:
• Top 100 DN bền vững
• Top 10 DN bền vững lĩnh vực sản xuất
• Top 10 DN bền vững lĩnh vực thương mại-dịch vụ
• DN đạt chuẩn phát triển bền vững
+ Giải phụ bổ sung cho năm 2021:
• DN thực hiện tốt bình đẳng giới trong sản xuất và kinh doanh
• DN tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại cho ngành thủy sản nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Vì vậy, hàng hóa của DN phải đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm thân thiện môi trường, nhà sản xuất thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thấy được tầm quan trọng của chương trình này và với ý định quảng bá hình ảnh thủy sản Việt, nâng cao sức cạnh tranh nhằm đạt mục tiêu nâng tầm thủy sản Việt, phát triển thủy sản Việt trên nền tảng an toàn và bền vững, ổn định lâu dài; qua đó ngày 19/5/2021 VASEP đã thành lập ngày Hội đồng Cố vấn về Chứng nhận Bền vững (VASEP CERACO) nhằm hỗ trợ, và thúc đẩy DN thủy sản áp dụng hiệu quả các chứng nhận bền vững. VASEP CERACO được thành lập để giúp việc cho Ban Chấp hành Hiệp hội trong chương trình hỗ trợ DN hội viên áp dụng tốt và thuận lợi các chứng nhận bền vững quốc tế. Hội đồng sẽ do lãnh đạo văn phòng Hiệp hội làm Chủ tịch với các thành viên gồm đại diện Tổng cục Thủy sản, đại diện một số Sở NNPTNT, nhà nhập khẩu và một số DN hội viên đang thực hiện các chứng nhận bền vững.
VASEP CERACO sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ chính bao gồm:
• Góp ý các tiêu chuẩn và quy trình-thủ tục của các chứng nhận thủy sản
• Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN hội viên để trao đổi, đối thoại, đề nghị giải quyết với đơn vị sở hữu chứng nhận và các đơn vị liên quan
• Phối hợp các bên hỗ trợ nâng cao năng lực DN hội viên thực hiện các chứng nhận
• Quảng bá về DN, sản phẩm thủy sản chứng nhận tại Việt Nam.
Sự chăm lo cho hội viên của VASEP như vậy là quá chu đáo. Hy vọng sẽ có nhiều DN thủy sản tích cực tham gia chương trình phấn đấu đạt các tiêu chí phát triển bền vững, để ngành thủy sản ngày càng có vị trí tốt hơn trong nền kinh tế.
Nhận thức được xu thế tất yếu nêu trên, FMC đã sớm có sự chuẩn bị trên nền tảng các nội dung đã phổ biến từ VCCI. Sau hai năm chuẩn bị, thấy đã khá đầy dủ, năm 2020 FMC đăng ký tham gia chương trình CSI 2020 với mục đích ban đầu là được học hỏi, để biết mình đang ở đâu so với “chuẩn” và cố gắng hoàn thiện hơn. Nhưng thật may mắn, FMC đã được Ban tổ chức xướng tên vinh danh “Top 100 DN bền vững năm 2020” tại lễ công bố. Nói may mắn là bởi vì so với các DN lớn như: Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt… thì Báo cáo phát triển bền vững của FMC trình bày đơn giản, chưa được đẹp và chuyên nghiệp như các đơn vị bạn … nhưng thông tin hoạt động, số liệu đã thực hiện thể hiện trên báo cáo tương đối đầy đủ và minh bạch. Cũng nói cho đúng, có rất nhiều hồ sơ tham gia thì việc FMC nằm trong Top 100 cũng là một vinh dự không nhỏ.
Đạt được kết quả trên là sự khích lệ tinh thần cho FMC. Năm 2021, FMC sẽ tiếp tục tham gia chương trình CSI nói trên. Nói rõ hơn, đây là nội dung xuyên suốt trong chiến lược của FMC nhằm giữ vững vị thế của mình và đạt sự phát triển bền vững ổn định trong lâu dài. Việc này không chỉ là hành động vi mô của FMC mà còn nằm trong tầm vĩ mô nhằm góp phần thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Tháng 6/2021
NGUYỄN VĂN CƯ
TRỢ LÝ TGĐ FMC