TUÂN THỦ QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ VÀ ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Năm 2021, FMC tiếp tục tham gia chương trình phát triển bền vững (PTBV). Chương trình năm nay có giải thưởng về bình đẳng giới.

Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp (DN) có những quy định riêng với lao động nữ (LĐN) và bảo đảm bình đẳng giới được thể hiện ở việc chống bạo lực và quấy rối; điều kiện cho LĐN có việc làm thường xuyên; đảm bảo bình đẳng việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; không phân biệt giới tính trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, thăng chức; bảo vệ quyền lợi thai sản.

Để có được vị thế như hôm nay, trong chính sách nhân sự của FMC luôn có sự bình đẳng giới. Tổng số người lao động (NLĐ) của FMC hơn 4.000 người, trong đó LĐN chiếm tỷ lệ khoảng 66%, tập trung chủ yếu tại xưởng Chế biến. Đây cũng chính là lực lượng đông đảo nhất trong công ty, trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì vậy, FMC xác định chế độ phúc lợi dành cho LĐN đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị, giúp NLĐ gắn bó lâu dài với công ty.

Tất cả các cấp quản lý ở FMC đều có sự tham gia của LĐN, đa số họ đều có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng trở thành nhà quản lý. Có LĐN là quản lý cấp cao. Trong tuyển dụng, FMC đã ban hành chính sách tuyển dụng chống phân biệt đối xử giữa nam và nữ; không từ chối tuyển dụng LĐN vì lý do mang thai; không sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với LĐN với lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Về chế độ lương, thưởng: FMC thực hiện quy chế lương thưởng thống nhất, dựa trên đánh giá năng lực, công việc, không có sự phân biệt giữa nam và nữ.

Đặc biệt, FMC xây dựng chính sách chống các hành vi quấy rối và lạm dụng, nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm LĐN. Tại mỗi nhà máy có đặt các thùng thư góp ý nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tố cáo các hành vi sai trái.

Ngoài việc thực hiện đúng các quy định của nhà nước về chế độ chính sách thai sản như: LĐN mang thai từ tuần thứ 25 trở đi đến khi con 12 tháng tuổi được nghỉ sớm 1 giờ mỗi ngày nhưng vẫn hưởng tiền lương đầy đủ; lao động nam khi có vợ sinh con được nghỉ từ 5 đến 7 ngày hưởng chế độ thai sản, tạo điều kiện để thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình tốt hơn; FMC còn hỗ trợ LĐN sau khi sinh với số tiền 1 triệu đồng/người. Và dành sự quan tâm cho LĐN, tặng quà nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Với sự chăm lo dành cho LĐN như vừa nêu trên có thể thấy FMC đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đối với LĐN, là sự cam kết của DN về thúc đẩy bình đẳng giới vì PTBV và thịnh vượng chung. Tuy nhiên, vẫn còn những mặc hạn chế mà FMC chưa thể đạt được là cân bằng tỷ lệ lao động nam/ nữ ở quản lý cấp cao, mặc dù tỷ lệ ở lao động phổ thông và quản lý cấp cơ sở thì LĐN chiếm ưu thế. Những tồn tại, hạn chế này không chỉ ở FMC mà còn ở nhiều DN, nhiều nơi trên thế giới, đó là do lịch sử và quan niệm xã hội.

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và PTBV.

Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu PTBV được các quốc gia cam kết thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Nhà nước quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, không phải một sớm một chiều mà cả một quá trình lâu dài và cần sự tham gia tích cực của các DN, trong đó có FMC.

   NGUYỄN VĂN CƯ

   TRỢ LÝ TGĐ FMC