CÁC LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG

Để lọt vào danh sách “Doanh nghiệp bền vững” hàng năm, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các tiêu chí sàng lọc khắt khe dựa trên Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index - CSI). Bộ chỉ số tích hợp các thông lệ, quy ước tiêu chuẩn quốc tế cùng với những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam giúp DN xây dựng nền móng quản trị hiệu quả và vững chắc. Bởi vậy, đây được xem là thước đo giá trị, tấm gương phản chiếu sự lớn mạnh của DN.
Khi được chứng nhận “Doanh nghiệp bền vững”, DN được các lợi ích sau:


1. Cải thiện hình ảnh thương hiệu và lợi thế cạnh tranh:

Khi “sống xanh” và bảo vệ môi trường trở thành xu hướng, nhận thức của người dân về môi trường tăng cao. Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm/dịch vụ sẽ có xu hướng mua từ các DN phát triển bền vững. Các DN có những hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng được người tiêu dùng yêu thích hơn.
2. Nâng cao năng suất và giảm chi phí:
Thực hiện kinh doanh bền vững giúp DN hoạt động hiệu quả thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí. Giảm thiểu chi phí còn bao gồm các hoạt động tiết kiệm năng lượng đơn giản như tắt đèn khi không cần thiết.
3. Thích nghi linh hoạt với môi trường và các quy định:
Trước tình hình biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên năng lượng, và tác động môi trường, các cơ quan Chính phủ ban hành ngày càng nhiều các quy định về bảo vệ môi trường. Gắn kết phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh ngay từ đầu sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong việc tuân thủ những quy định đang liên tục thay đổi và ngày càng chặt chẽ, giúp các DN hội nhập được vào thị trường thế giới, dễ dàng hơn trong việc tìm được tiếng nói chung với người tiêu dùng và nhà cung cấp trên toàn cầu. Do đó, việc tuân thủ luật lệ và các quy định sẽ được thực hiện từ chính ý thức chủ động của DN chứ không còn là những quy định mang tính hành chính, hình thức nữa. Điều này giúp DN chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về kinh doanh có trách nhiệm từ người mua, từ thị trường, từ cộng đồng xã hội.
4. Thu hút nhân viên và nhà đầu tư:
Được công nhận là "doanh nghiệp bền vững" thông qua việc qua việc thể hiện DN mình là một DN tôn trọng không chỉ yếu tố kinh tế mà cả yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội sẽ giúp các DN nâng cao uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu và mở ra những cơ hội kinh doanh mới, gia tăng lòng tin của đối tác, nhà đầu tư và cổ đông. Song song đó, DN sẽ dễ dàng thuyết phục được người lao động và các tổ chức tín dụng hơn, có lợi thế hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên thị trường lao động cũng như nguồn vốn cần thiết để mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
5. Gia tăng lợi nhuận:
Bằng cách giảm thiểu lãng phí, tăng giá trị hình ảnh thương hiệu, tối ưu vận hành, đầu tư vào công nghệ, doanh thu và lợi nhuận của DN sẽ tăng lên.
(Tổng hợp từ các nguồn trên internet)