bg-mot-goc-nhin-

 

 

Đọc cái tựa, dân trong nghề sẽ liên tưởng là chuyện xử lý tôm trong ao nuôi bị sự cố như tôm bị bệnh, tôm thiếu oxy, thiếu nước nuôi... Chuyện này có khác, có thể chưa hề xảy ra trước đây.


Những ngày cuối tháng tư nắng ấm vừa qua, dân ta náo nức kỳ nghỉ lễ thật vui tươi bù những ngày lao động miệt mài. Nghe đâu đó có ca nhiễm dịch nhưng không làm chùn chân, không làm khó xử cho những gì đã chuẩn bị. Và những ngày hè vui đã diễn ra sôi động ở mọi miền đất nước. Thậm chí ngày cuối tháng tư, một số tuyến đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt quá tải, mất gấp đôi so thời gian bình thường mới tới nơi, làm đảo lộn không ít các dự tính trước đó cho chuyến thư giãn.


Ngày đó, cũng là ngày dài của chúng tôi, bởi sau đó hãng cung ứng thức ăn cho tôm sẽ nghỉ ba ngày. Có nghĩa tại trại nuôi tôm của chúng tôi phải có lượng thức ăn dự trữ ít nhất là ba ngày. Mắc mứu là hãng cung ứng thông báo hôm sau nhằm đầu tháng thức ăn sẽ lên giá. Có lẽ để tranh thủ, các trại nuôi tôm, các thương lái đồng loạt đăng ký mua trữ nhiều nên nhu cầu tăng đột biến. Trại chúng tôi lo lượng thức ăn hàng ngày khá nhiều, khá vất vả nên phần dự trữ thường chỉ có hai ngày, nay muốn mua thêm cho đủ dự trữ đáp ứng những ngày hãng đã thông báo nghỉ hoạt động. Hãng thức ăn tôm báo lại là không đáp ứng nhu cầu do không có khả năng. Tôi ra tay, trình bày là do tôm nuôi mau lớn quá, ăn nhiều nên chúng tôi tăng mua dự trữ cho ba ngày hãng nghỉ chớ không phải muốn ham giá rẻ. Năm lần bảy lượt trần tình, hãng cứ nói đã có lịch giao hàng kín hết công suất rồi. Tôi nói các hãng thức ăn khác mua là có ngay, tôi theo hãng này chín năm rồi, nay không đáp ứng nhu cầu bên tôi đã gởi dự trù từ nhiều ngày trước, thậm chí tiền cũng đã chuyển ứng trước, chúng tôi sẽ giã từ hãng này luôn, dù điều đó tôi không mong muốn xảy ra. Kết cục, được giải quyết! Thở phào, nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Chúng tôi đã chuẩn bị xe, nhưng như nói ở trên, người đi chơi, người từ phố về quê, tắc đường khắp nơi. Túc tắc từ sáng đến cuối giờ chiều, các xe chúng tôi còn cách hãng khoảng 30 cây số. Hãng báo sắp đóng cửa cho người lao động nghỉ rồi, phần gần trăm tấn thức ăn dành cho trại tôi đã có sẵn. Năn nỉ công nhân ở lại chờ, không xong. Cũng may do hãng thức ăn chắc có kinh nghiệm, họ mướn cho chúng tôi một chiếc tàu và đưa hết số thức ăn xuống tàu, xong là chiều tối. Gần hai ngày sau, tàu tới trại tôm. Giải cứu ao tôm lần một thành công!


Ba tuần sau... Chuyện cũ tái diễn. Tôm nuôi trong các ao sao lớn nhanh quá, tốn thức ăn quá. Đây là chuyện cực kỳ tốt. Cao điểm mỗi ngày tốn bốn container, tính ra trên trăm tấn thức ăn. Chắc chuyện này lập kỷ lục chớ chơi đâu. Bất ngờ hãng cung ứng lại cung không đủ. Tôi giải thích là nhu cầu thực, không có đầu cơ thức ăn làm gì. Họ nói khách hàng nào cũng tăng nhu cầu nên vượt công suất. Con tôm nuôi có một đặc điểm nó quen thức ăn nào rồi, nếu thay đổi ít nhiều có ảnh hưởng khẩu vị của nó. Biết vậy nên chúng tôi phải cố gắng “trình bày” với đối tác. Không xong! Tôi chợt nhớ có lần có một cấp trên của chúng tôi nói có quen biết cấp cao của hãng thức ăn này. Vậy là tôi huy động mọi nguồn khả năng. Anh cấp trên vào cuộc nhiệt tình. Cũng ba lần bảy lượt nghe giãi bày các bên, cuối cùng là lệnh của bên sếp hãng thức ăn cam kết không để trại nuôi tôm của chúng tôi thiếu thức ăn. Một nhà máy khác thay đổi dây chuyền đang sản xuất qua sản xuất loại thức ăn chúng tôi đang cần. Thở phào, ao tôm chúng tôi an toàn, tôm trong ao no đủ, khoẻ khoắn, mau lớn... Giải cứu ao tôm lần thứ hai ổn thỏa!


Tháng bảy, khi các ao tôm trong trại đang đầy ắp tôm, thu hoạch đã diễn ra trước đó, thu tỉa nhiều lần. Tháng bảy, dịch đã lan khá nhiều tỉnh thành, miền Tây bị nhẹ. Riêng tỉnh tôi yên ổn. Có lẽ hơi khuất, không ồn ào, dịch lại khoái chốn huyên náo đầy ánh sáng. Trại nuôi tôm đang trên lịch trình thu hoạch, còn hơn trăm ao thì dịch bỗng nhớ tỉnh tôi. Lao động trên SG về lại quê, không biết là đang mang theo “lửa” nhen từ SG. Xã kế trại nuôi tôm có ca dương tính, đang truy vết tận tình. Chúng tôi lo, tính toán phải thu hoạch nhanh phòng khi dịch bùng phát, ảnh hưởng. Đúng như dự tính, mới tập trung thu hoạch hai ngày, ca dương tính trong tỉnh tăng từ hai lên trên mười. Địa phương gần trại tôm bị phong toả. Trại nuôi đầy nước nhưng chúng tôi tưởng như bị lửa vây quanh!


Tỉnh họp, triển khai ra sao không biết, chỉ thấy các chốt kiểm soát dịch bệnh lần lượt được dựng lên, nhất là ranh các huyện thị. Xe tôm tôi tới chốt, ban đầu yêu cầu phải quay đầu. Phải thuyết phục và “nhờ vả” được qua, lại được báo là không được quay xuống nữa. Mỗi ngày xe nhận hai ba lượt tôm mới đạt yêu cầu, lại phải trần tình. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy..., cái chuyện nhận thức ban đầu cách hành xử phòng chống dịch sao đáng... nhớ, giống chuyện ngăn sông cấm chợ quá. Cũng may, sau đó các văn bản chỉ đạo xử lý tới, việc vận chuyển trở lại ổn thoả. Tới đây chưa thể nói là giải cứu ao tôm lần ba thành công. Chạng vạng, chỉ huy trại tôm về lại tỉnh lỵ, bị chặn ở ranh giới và đưa đi cách ly. Chúng tôi hết sức bất ngờ bởi chưa nghe thông tin này. Gần ngàn tấn tôm đang dưới ao, đòi hỏi chăm lo hàng ngày, nay chỉ huy bị cách ly thì ai điều hành trại! Ngộ biến tùng quyền, không “xin” được, thì quay đầu xe, tìm đường ngách về nhà, tới nơi!


Chúng tôi tính toán cần 10 ngày giải cứu ao tôm, nghĩa là thu hoạch toàn bộ, an toàn cho gần ngàn tấn tôm, toàn tôm cỡ lớn, giá trị cao. Tới ngày thứ tư, nhằm chủ nhật, thị xã nơi có trại tôm bị thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg. Nghĩa là mọi người ra vào phải có giấy xét nghiệm dịch âm tính. Trở tay trong ngày chủ nhật thật là gian nan, vì ai rảnh đi kiểm tra dịch, cơ quan nào kiểm dịch ngày nghỉ… trong khi thu tôm không được ngừng nghỉ. Vậy là tôi phải vận dụng mọi mối quan hệ, uống lưỡi dẻo mồm mà thuyết minh, thuyết phục các anh có thẩm quyền “du di, linh hoạt”, bởi trại tôm nằm xa khu dịch bị cách ly, dù chung đơn vị hành chánh thị xã. Có anh thông cảm, có anh quyết liệt không tán thành cho xe người của trại vào nội thị. Vậy là phải đề đạt lên cấp cao hơn. Trong thực tế ngồn ngộn sự sinh động và phong phú, mọi việc luôn ở trạng thái động và biến đổi, rất khó có một chỉ đạo pháp lý nào chu toàn, hoàn thiện. Nhất là trong cảnh phức tạp, diễn biến dịch bệnh vô chừng, buộc chính quyền phải có giải pháp điều chỉnh và thực hiện ngay với mục đích tốt đẹp là kịp thời ngăn chặn dịch. Được - mất như cặp phạm trù song sinh. Những biện pháp cứng rắn và áp dụng quá nhanh, có thể làm các doanh nghiệp trở tay không kịp. Thí dụ như việc thu tôm của chúng tôi. Việc trở tay không kịp có thể gây thiệt hại, đôi khi không nhỏ. Tôi giải trình là các anh có giải pháp mạnh ngăn chặn dịch là không sai, nhưng trong thực tế cần quan tâm, cần có lòng tin nhau, xử lý nhiệm vụ kép còn lại sao cho ổn thỏa. Trại tôm, tuy trong vùng dịch, nhưng cách xa ổ dịch, cấp trên phải có lòng tin là chúng tôi đâu thể tới ổ dịch làm gì, chỉ tập trung tới trại tôm giải cứu ao tôm. Như vậy, việc linh hoạt cho phép chúng tôi vào “vùng dịch” thời điểm này là góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép mà mức độ gây ra rủi ro đâu cao. Lãnh đạo cấp cao tầm nhìn cũng cao hơn, vậy là người xe của chúng tôi giữ được nhịp độ thu hoạch. Hôm sau, nhằm ngày trong tuần, tất cả thức 4 giờ sáng tìm chỗ kiểm tra dịch bằng phương pháp ngoáy mũi! Không phải nhờ vả gì nữa, chấp hành nghiêm túc các quy định của các cấp chính quyền. Bất ngờ, lại thêm bất ngờ, sáng nay thông báo thêm một phường trong thị xã có trại tôm phải phong tỏa. Nguy cơ tăng lên, theo lịch thu hoạch thứ bảy kết thúc, chúng tôi điều chỉnh rút ngắn một ngày bằng cách tăng thu hoạch ba ngày còn lại. Vậy là nhà máy chế biến phải vất vả hơn, các xe phải kiên trì quay vòng vận chuyển tôm nhiều hơn. Tất cả vì sự giải cứu ao tôm lần thứ ba.


28894090 Những dòng này viết lúc tôm trong ao cuối cùng đã thu hoạch xong. Cảm giác nhẹ người lan tỏa trong tôi. Tôi cảm thấy có gì đó phấn chấn viết lại tiến trình này, một câu chuyện vui, một câu chuyện hy hữu, một sự nỗ lực vượt dốc, một minh chứng trong sự chung tay đồng lòng chỗ chúng tôi… Cái nào cũng có chút âm hưởng. Nhưng với tôi, tôi coi như là chuyện vui, hy hữu để có thêm nụ cười, dù là cười mỉm, nhưng cũng có ít nhiều năng lượng tích cực nạp thêm. Nhưng tôi cũng không quên qua bài này thể hiện sự hàm ơn các anh đã ít nhiều thông cảm, hỗ trợ chúng tôi kịp thời như lãnh đạo cấp cao địa phương, cấp trên của hãng. Ăn trái nhớ người trồng cây, Miếng khi đói bằng gói khi no,,,, đạo lý ông cha đó chúng tôi luôn nhớ. Nhưng trong tôi cũng có chút nào đó cảm thấy chưa thỏa đáng trong cách hành xử của một số người có thẩm quyền. Hệ thống lý luận, luật pháp… đều đúc kết từ thực tiễn và hình thành, có nghĩa luôn đi sau thực tế. Sự cứng nhắc, tuân thủ thái quá sẽ gây hỏng việc!


Cũng không thể không nói thêm chuyện vui vẻ bên lề. Ba lần giải cứu ao tôm là chuyện không thể không làm, qua sự kịp thời đó góp phần phát huy năng lực tổ chức nuôi của ban chỉ huy trại tôm. Thành quả từ trại tôm góp phần đáng kể để các số liệu tài chánh của Sao Ta năm 2021 sẽ đẹp hơn nhiều!

Ngày thứ sáu 16/7/2021

         CULOH