bg-mot-goc-nhin-

NGÀY ĐẦU THÁNG 5

4. NGẪM CÂU “BUÔN CÓ BẠN, BÁN CÓ PHƯỜNG”

     Khi thị trường tiêu thụ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp (DN) tham gia cuộc chơi phải có sự ứng phó kịp thời và nhất là có hiệu quả mới mong sớm trở lại trạng thái cân bằng, thở phào cho cố gắng của mình mang lại sự tích cực.

     Sự ứng phó đó muôn hình vạn trạng. Ông bà có câu “Buôn có bạn, bán có phường”, tra trên Google, “Buôn có bạn” có nghĩa là trong kinh doanh, bạn cần liên kết, liên hệ được với những người khác nhau để cùng tạo ra liên minh buôn bán, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhau. Với những mặt hàng khác nhau thì có đầu mối làm ăn khác nhau để tăng sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh mua bán của mình. Ngoài ra, sự liên kết làm ăn cũng mang đến cho các bạn cơ hội trao đổi kinh nghiệm kinh doanh cho nhau. Còn về “Bán có phường” để một mặt giúp cho các mặt hàng được tập trung, khách hàng được tha hồ lựa chọn kiểu dáng, mẫu mã giá cả khác nhau, thì mặt khác lại chính là sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh khác nhau. Trên là nếp nhà đã có hay chỉ là lời khuyên! Chưa rõ lắm, tuy nhiên, trong thực tế vấn đề trên diễn ra chưa ổn lắm dù cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp hết sức cổ vũ, khích lệ cho tinh thần này. Và theo hiểu biết của tôi, sự kêu gọi liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng đang được tuyên truyền, vận động khá ồn ào, tiếc là kết quả chưa nhiều. Thực tế trong ngành tôm, sự liên kết dù ngang hay dọc, dù nhiều hay ít mắc xích cũng đôi lúc có nơi làm tốt, nhưng tiến trình dài, bao cái mới lạ phát sinh khiến các mối liên kết đó dễ bị đứt gãy. Nói chuyện cụ thể hơn, trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu tôm, câu chuyện liên kết vì sự tồn tại, phát triển chung của cả ngành là vấn đề đau đầu ai quan tâm, đau lòng ai là “nạn nhân” của những chiêu trò từ đồng nghiệp của mình. Chuyện buồn vui này mênh mông. Nêu sau đây một chuyện không vui làm điển hình. Theo quy định của Luật chống bán phá giá Hoa Kỳ, trong năm xem xét (review) chỉ có mức thuế tạm tính (đa phần là mức thuế từ lần review trước). Có DN nhập tôm rẻ Ấn Độ rất nhiều, thu lợi rất nhiều, hậu quả bị phía Hoa Kỳ đánh mức thuế chống bán phá giá tăng gấp đôi so năm trước. Về lý chuyện này không sai, chỉ phiền là phần tác động không vui tới các DN khác. Các DN bán tôm vào Hoa Kỳ, quy mô nhỏ hơn phải ăn theo mức thuế này, phải bỏ thêm tiền trả thêm thuế Hải quan Hoa Kỳ một năm sau đó, sau khi có mức thuế chính thức. Mất khoản tiền không nhỏ do đồng nghiệp gây ra, ai vui bao giờ.. Chuyện này tôi không thích nhắc tới, viết ra chỉ mích lòng, nhưng không ít “nạn nhân” gặp hỏi tôi là viết nhiều về ngành sao không nói tới những chuyện cần “nhắc nhớ” nhau! Tôi bị ít nhiều áp lực nhưng thiết nghĩ giờ đây chuyện này không còn phương hại ai nên viết ra như là chuyện giải buồn cho lúc khó khăn này để thấy có những lúc khó hơn mình còn vượt qua được, hơn là bêu rêu nhau!
     Còn chuyện vui khá hấp dẫn, xảy ra sau tình huống trên. Đối phó mức thuế chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, một nhóm hình thành tự nguyện gồm cố chủ tịch, hai cựu chủ tịch và tổng thư ký VASEP. Đây là điều khá mới mẻ. Nhóm này họp không công bố, âm thầm “tự xử”. May thay, bằng mọi nỗ lực, bằng mọi thiện chí những thành viên tham gia, thuế về bằng 0%. Sáu bảy năm qua tới giờ, tôm Việt còn chiếm thị phần khá tốt từ Hoa Kỳ là công sức của cái nhóm này, vì thuế 0% áp dụng cho hầu hết các DN nói trên. Nhóm này thực sự thể hiện tinh thần Buôn có bạn, bán có phường. Điểm này tạo sự khác biệt giữa con tôm và cá tra, các DN tôm dù sao cũng còn bao bọc được cả cộng đồng mình chen chân ở Hoa Kỳ, cá tra thì “tập trung” khá cao độ.
     Quay qua nói chuyện gần. Bây giờ bất lợi ngành tôm khá cao điểm. Như giá thành tôm của ta cao do tỉ lệ nuôi thành công thấp; truy xuất nguồn gốc thì gượng gạo vì việc đánh mã số cơ sở nuôi đang ách tắc khá nan giải; như tôm chuẩn ASC tỉ lệ quá thấp khó cho việc tạo sự đột biến, vươn tầm ngành tôm… Lúc này các DN tung chiêu khá phong phú nhằm ít ra giữ vững “trận địa” cho DN mình. Tôm thương phẩm trong nước giá cao, có thể nhập tôm nguyên liệu giá rẻ về tái chế xuất khẩu. Chuyện này không sai luật, nhưng có thể có sai sót ở điểm truy xuất nguồn gốc và tôm cấp đông hai lần độ ngọt ngon sẽ giảm. Nhưng trước mắt, trong bối cảnh khách hàng cần tôm giá rẻ, chiêu này có hiệu quả ít nhiều. Hoặc có chiêu khá “tinh tế”, kêu gọi cộng đồng đừng vội bán giá rẻ và thông báo mua tôm nguyên liệu cao ngất ngưỡng. Các DN khác thấy tình hình này làm sao dám bán giá rẻ. Thực ra, DN kia có mua tôm nguyên liệu giá cao hay không và có bán hàng giá tốt hay không, chưa ai nắm chắc. Chỉ là khi ra nước ngoài thăm khách hàng, chúng tôi bị phàn nàn là DN kia bán giá rẻ lắm nhằm giành thị phần, khiến họ mất khách và yêu cầu chúng tôi phải giảm giá để cạnh tranh.
     Dong dài, có phảng phất yếu tố suy nghĩ tiêu cực! Thực vậy, “Buôn có bạn, bạn có phường” thực chất giờ là “Buôn có đối thủ, bán có kẻ thù” thì phù hợp hơn. Mong thay, chuyện này không thành bản chất, chỉ là nhất thời, giai đoạn. Các tổ chức chức năng đang hô hào cho việc gầy dựng, phát triển các chuẩn mực đạo đức doanh nhân. Hy vọng kết quả ngày càng sáng sủa hơn. Cũng hy vọng khó khăn chung, riêng sớm đi qua, mọi ngành kinh tế đều sớm vãn hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Và những người trong cuộc, có liên quan bài viết này, cảm thấy bị “sĩ diện” nào đó, xin thông cảm và đừng trách móc. Ở đời, khó có cầu toàn, góc nhìn luôn đa chiều, chỉ mong những gì không tốt cho cộng đồng đừng tái diễn. Dày dạn, phong sương trên thương trường, đầu ai cũng có sạn.
     CULOH (4/5/2023)