bg-mot-goc-nhin-

 

MỖI NGƯỜI CÓ THỂ LÀ MỘT TAY TRỘM KHÔNG CHUYÊN
                                         Giải buồn những ngày dài Covid!


Ngạn ngữ nước ngoài có câu Mỗi người là một kịch sĩ. Thuở nhỏ, đóng vai con ngoan, trò lễ phép. Rồi học sinh giỏi, bạn hiền. Đi làm việc, thủ vai nhân viên cần mẫn trước khi thủ vai sếp cởi mở, hòa đồng. Thời gian sau đóng vai người tình lý tưởng, người chồng gương mẫu, người cha đáng yêu. Rồi có thể là người ông hiền từ, nhân hậu…


Trên chỉ liệt kê ra một số “vai” phổ biến. Mỗi người còn “đóng” biết bao vai khác, bởi mối quan hệ xã hội chằng chịt. Quan hệ càng nhiều, vai đóng càng tăng. Mỗi người là một kịch sĩ, quả là chí lý. Nhưng cũng lạ, người ta ít khi cảm nhận ra “năng lực” kịch sĩ của mình, cứ mua vé để xem các trò tuồng, coi các kịch sĩ chuyên nghiệp biểu diễn mà đâu biết có người tiềm ẩn năng lực còn cao hơn các kịch sĩ trên sân khấu! Tôi mượn câu chuyện trên để liên tưởng một nội dung khá tương đồng, đó là có người cho rằng mỗi người có thể là một tay ăn trộm không chuyên. Vai diễn này cũng khá dài gắn liền quãng đời người ta.


Ăn trộm, không biết có phải là cái nghề không mà đã từng đi vào kho tàng tục ngữ ca dao, chứng tỏ chuyện trộm có từ xa xưa, chắc có lịch sử từ thời… có người ta hiện diện trên quả đất này! Con ơi học lấy nghề cha/ Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Không biết “cha” nào ác nhơn dạy con theo đường ăn trộm, nhưng cũng phản ảnh một thực tế đôi khi cả một quãng thời gian dài của dư luận xã hội “coi trọng” chuyện trộm như vậy. Bây giờ có ai dám “dạy” con vậy không! Bây giờ không ai dạy trộm nhưng trộm lại phát triển một cách tích cực qua muôn hình vạn trạng. “Cha” hồi xưa có sống lại chắc cũng chết ngất vì “hậu sinh quá khả úy”.


“Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng nhổ khoai”, chuyện trộm vặt này thời nào cũng có, không nhắc đến. Ở đây chỉ quan tâm các hình thức trộm mới mẻ, thời nay. Thí dụ như đi làm việc thì trộm thời gian, nên mới có câu “đi muộn về sớm”, chớ đâu ai nói đi sớm về muộn cho công việc bao giờ! Trộm khác là làm gì ăn (trộm) đó. Cho nên mới có chuyện vật tư cứng như sắt thép, xi măng cũng bị “ăn” (trộm) mà đâu ai bị lủng bao tử! Trộm khác, tầm cỡ hơn là trộm chủ trương. Họ nhờ vào chức vụ (hoặc quyền lực…) mà đón đầu các chủ trương, chính sách để hưởng lợi lớn… Còn có bọn chuyên trộm mồ hôi, nước mắt chuyên mua đè giá nông phẩm. Bọn ác hơn là trộm cả… máu xương, là trộm tiền chính sách của người có công. Kể ra quá dài dòng, chỉ nêu vài việc là ai cũng có thể liên tưởng bao vụ việc khác!


Bây giờ đạo đức có vẻ cũng bị “trộm” nên không còn đủ những hình ảnh đẹp trong đời thường. Thí dụ xã hội tuy không thiếu nhưng không nhiều gương hành động xả thân việc nghĩa! Từ đó trộm nhà có hiện tượng nâng cấp sự tàn nhẫn, như con cháu trộm đồ nhà, bị phát hiện, đã có hành động gây nguy hại sức khỏe, và thậm chí cả tính mạng người thân. Nhưng song song đó, lợi dụng công nghệ phát triển, nhiều tay “giỏi” lĩnh vực này bày mưu tính kế trộm tiền, tài sản người khác cũng không ít. Nói chung xã hội đương đại trộm cực kỳ phong phú, phức tạp, tinh vi và đôi khi tàn nhẫn!


Có một chuyện trộm khó mà xử phạt, như là không có điều khoản nào trong hệ thống pháp luật điều chỉnh. Đó là trộm… tình cảm. Các chức sắc khi muốn đạt ý định nào đó thì hứa rất nhiều, nhưng khi làm không được bao nhiêu. Gia phả họ Hứa chắc lớn lắm nên người họ này có khá nhiều trong bộ máy công quyền (trăm lần xin lỗi người họ Hứa thiệt). Trộm tình cảm cũng có chuyện có nét lãng mạn, dễ thương từng xuất hiện trong … văn học cổ đại và cận đại. Đó là trộm nhớ thầm thương! Hiện đại, tính thực dụng lớn quá, nét thơ mộng xưa ít hiển hiện, cũng thấy tiếc.


Nói cho nhiểu, điểm tựu trung trộm bây giờ toàn trộm không chuyên. Không chuyên vì đâu có cơ sở nào chuyên dạy người ta ăn trộm. Chỉ có một trường, trường này quá lớn, dạy bách khoa trộm, là trường đời! Trường đời dạy trộm miễn phí và miễn chuẩn tuyển đầu vô. Học tự giác và không cần ghi tên, lên lớp, cho nên người tham gia học đông quá. Trường không dạy bằng lý thuyết, toàn bằng thao tác thực hành nhan nhãn trên các phương tiện truyền thông. Thông tin “bắt” trộm sẽ là thông tin về “nghề” mới cho dân trộm. Thông tin về cách trộm sẽ là “kinh nghiệm” cho dân trộm. Thông tin về quy mô trộm sẽ là động lực phấn đấu của dân trộm. Cũng nói thêm, pháp luật dù đã sàng lọc kỹ lưỡng đến đâu cũng còn kẽ hở, đó là chỗ dân trộm khoái chí hay lui tới! Thành phần trộm hết sức phong phú và phức tạp. Từ người cấp thấp, cấp trung, cấp cao trong xã hội. Người học cao, học thấp, thậm chí dốt, đều có. Người nghèo, người giàu đều có. Người nông thôn, người thành thị đều có. Có thống kê kỳ lạ là người càng giàu, địa vị càng cao trộm càng lớn, càng nhiều. Và xu thế khác là quy mô trộm lớn dần theo thời gian.


Có câu Ăn trộm có tang! Câu này có hai nghĩa. Tôi hiểu theo nghĩa những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện. Cách nhìn nhận tích cực như vậy là xu thế, là phù hợp đạo lý, để dòng chảy tiến bộ công bằng của xã hội được êm đềm hơn, trôi nhanh hơn. Nhưng điều kiện cần hay đủ không rõ lắm là cần một hệ thống chính quyền pháp trị mạnh mẽ trên nền tảng hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, chặt chẽ có đủ yếu tố lý, tình. Nói cho tròn, thời thế hiện nay pháp trị trên thế giới cũng đã quá chuẩn, đang ở giai đoạn kỹ trị. Vậy chỉ chuyện nhỏ chống trộm không chuyên lại liên tưởng, liên quan vấn đề tầm vĩ mô, và tầm vĩ mô quốc tế nữa chớ! Muốn bày ra chuyện vui vui là lạ để giảm áp lực từ Covid không dè lạc qua chuyện vĩ mô bao la, mong người đọc thông cảm bỏ qua!


Những ngày dài thực thi CT16.
Cuối tháng 7/2021
       CULOH