bg-mot-goc-nhin-


         Bùng phát Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta gây bất ngờ, thụ động cho tuyến đầu chống dịch. Hậu quả ai cũng biết, không ai muốn nhắc nhiều. Một nội dung đầy bức xúc khó lắng đọng trong tâm tư nay vẫn kéo dài, đó là tình hình trên nói dưới không nghe, gây bao phiền toái cho lưu thông và đi lại và nhất là góp phần đáng kể để bao doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất chờ thời. Thiệt hại cho nền kinh tế đâu nhỏ. Trong đó phải nhắc đến là lòng tin, chú ý cho số doanh nghiệp (DN) do nước ngoài đầu tư mà đã tốn nhiều công sức để kêu gọi, thu hút họ đến.
         Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thủ tướng rồi Chủ tịch nước phải nhắc chuyện các địa phương không ra các quy định trái với Trung ương. Nghị quyết số 128/NQ-CP ký ngày 11/10/2021 đã ghi rõ nội dung các việc cần thực thi thống nhất nhằm đạt được mục tiêu kép, dĩ nhiên trong đó việc bảo đảm sức khỏe người dân là hàng đầu. Nền tảng để triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP là vaccine sẽ phủ đáp ứng yêu cầu ngay trong năm 2021 này, tạo sự an tâm và hạn chế hoạt lực của virus, việc lây nhiễm bệnh sẽ giảm mạnh và công tác y tế sẽ thuận lợi hơn. Qua đó việc phục hồi nền kinh tế sẽ có điều kiện tăng tốc, bù đắp những gì thua sút trong các tháng qua.

         Nghị quyết 128/NQ-CP sớm đi vào hiện thực và phát huy hiệu quả khi các địa phương cùng chung tay, cùng thống nhất thực thi nghiêm chỉnh và đồng bộ những nội dung trong Nghị quyết này. Vì sao có cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược? Chuyện này thuộc thẩm quyền cấp cao, còn người dân chưa có căn cứ rõ ràng hiểu hết sự tình. Vấn đề “cát cứ” do ở cơ chế điều hành, ở sự phân công và phân trách nhiệm, ở sự phân quyền hạn hay từ lý do nào khác phải có thời gian để sự thực sáng tỏ. Bây giờ, cái cần lo là làm sao các địa phương thay đổi “nhận thức”, chung tay Chính phủ sớm vãn hồi nhanh nhất tình hình. Chống dịch như chống giặc! Khẩu hiệu đó giương cao suốt mấy tháng qua. Chống giặc phải huy động toàn bộ nguồn lực có được để sớm giành thắng lợi. Điều đó hoàn toàn đúng. Dịch bây giờ còn là giặc không khi cả thế giới thay đổi quan điểm cách nhìn SARS-COV-2. Bây giờ dịch là “người bạn đường” dù không xác định sẽ đi chung trong bao lâu. Cách đặt vấn đề mới phải có cách ứng xử mới, sao cho toàn vẹn hơn trên cơ sở thay đổi cái nhìn và trên cơ sở rút kinh nghiệm trong việc sắp xếp, phân công chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch thời gian qua. Thậm chí rút kinh nghiệm về cách thức lãnh đạo, điều hành công tác phòng chống dịch của các đợt bùng phát trước đây.
         Thực tế cho thấy cũng không thể vơ đũa cả nắm. Không ở trong chăn chưa biết rận, các địa phương có hoàn cảnh không như nhau. Chắc chắn sẽ có địa phương không song hành Trung ương là bất đắc dĩ, chớ không mang tư tưởng “cát cứ”. Nhưng cũng có địa phương lại quá cầu toàn, lo trước mắt nhiệm vụ này nhưng quên mất sau khi dịch đi qua, lấy gì mà sống khi DN cạn kiệt, lao động thiếu việc làm, chính quyền lấy nguồn lực ở đâu lo chuyện an sinh. Đó là cái nhìn có phần phiến diện, nếu nhìn “căng thẳng” coi đó là hành vi coi nặng cái ghế của mình. Tình trạng này diễn ra nhiều cấp chính quyền, là vấn đề nhức nhối, hy vọng từ bây giờ với Nghị quyết 128/NQ-CP, giai đoạn không tốt lành này sớm lùi vào quá khứ.
         Để việc điều hành sớm đi vào nề nếp và việc chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, cấp trên có đủ quyền hạn với cấp dưới, nhất là có quyền xử lý cá nhân cố tình làm không đúng. Bài học có từ ngàn năm nhưng luôn thể hiện sự đúng đắn của nó. Trở lại phần đầu bài, Thủ tướng, Chủ tịch nước phải kêu gọi các địa phương làm đúng quy định Trung ương. Chuyện này xảy ra nhiều tháng, không thể cứ mãi kêu gọi, để thiệt hại đất nước kéo dài thì ai chịu trách nhiệm. Giả sử tình trạng này còn kéo dài, đất nước sẽ đi về đâu. Thời Tống bên Tàu, Bao Công thuận lợi thực thi nhiệm vụ, ngoài chuyện sáng suốt và công tâm, còn nhờ vào thượng phương bảo kiếm có quyền tiền trảm hậu tấu. Quan xấu nghe tên Bao Công là riu ríu thôi, không thể dựa dẫm thế lực nào đó cố tình làm điều trái, chỉ lo không biết lúc nào “gặp gỡ” hổ đầu đao!
         Bây giờ một mặt “kêu gọi” lãnh đạo địa phương nỗ lực sát cánh cùng Trung ương để góp phần lấy lại lòng tin của người dân vào sự điều hành chung đất nước, nhất là coi trọng và hoàn thành mục tiêu kép. Mặt khác phải có một cơ chế lãnh đạo “sắc nét”, như là giao thượng phương bảo kiếm cho nhà điều hành cao nhất về phòng chống dịch. Có như vậy đất nước mới mong sớm khởi sắc.
         15/10/2021
         CU LOH