bg-mot-goc-nhin-

Từ cuối năm 2020 ngành dự báo thời tiết thông tin sẽ có hiện tượng La Nina diễn ra ngay cuối năm. Nghĩa là nhiệt độ chung sẽ xuống thấp. Mà đợi cả quý I năm 2021, không có gì xảy ra.
             Có thể tôi đọc tin thiếu sót, có những bản tin cập nhật thông tin sau này đầy đủ hơn. Sẽ là một kinh nghiệm quý. Khi coi nhiều thông tin, mới thấy La Nina chỉ hình thành ở nam bán cầu, tác động xa nhất chỉ tới xích đạo. Mà nước ta, nằm trên xích đạo. Một số người nuôi thả nuôi tôm sớm trong năm, nhằm tìm kiếm cơ hội ở giá cả còn cao. Lúc này, nhiệt độ không quá thấp nhưng cũng còn ở ngưỡng bất lợi cho đời sống con tôm khi còn nhỏ. Dĩ nhiên, mọi việc có cái giá của nó. Có người được, có người thua. Thả tôm sau tết Nguyên đán khi nhiệt độ đã tăng khoảng 2 độ so trước đó, là thời điểm thả nuôi thích hợp; nhưng thả nuôi đại trà, được năng suất và sản lượng, nhưng giá cả lại thấp hơn.

 

              Năm nay, theo xu thế chung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã len lỏi vào mọi lĩnh vực. Nuôi tôm, bị tác động khách quan nhiều nhưng nếu biết cách, cũng tranh thủ được những thành quả chung của cuộc CMCN 4.0 để giảm rủi ro. Người Việt có nhiều đức tính tốt như cần cù, nhẫn nại, cũng hết sức cầu tiến, nhanh nhạy tiếp thu và ứng dụng mới. Người nuôi tôm đã nhận thức

“tròn” hơn tầm quan trọng của vai trò nước trong nuôi tôm. Trước đây, diện tích mặt nước nuôi tôm chiếm phân nửa, vì coi trọng sản lượng nuôi mà chưa coi trọng xử lý và dự trữ nước nuôi. Thời thế chuyển biến, tỉ lệ này từ 5/5 thành 4/6, rồi 3/7 và giờ là 2/8, thậm chí còn có xu thế tiến tới 1/9. Có nghĩa là diện tích mặt nước nuôi chỉ chiếm 10% khu nuôi, còn 90% dành cho trữ nước, xử lý nước nuôi, xử lý nước thải. Theo phân tích, đây là một giải pháp hết sức căn cơ cho việc nuôi thành công gần đây, và có thể năm 2021 là sự khẳng định. Một lãnh đạo ở Bạc Liêu từng có câu nói  “Nuôi tôm là nuôi nước!”, rất chí lý. Mấy năm qua, vi khuẩn vi bào tử trùng (EHP) phát tác rất mạnh, việc xử lý nước nuôi chu đáo sẽ giảm thiểu rủi ro này. “Nuôi nước” có phải từ thành quả CMCN 4.0 hay không, nhưng chắc chắn có sự liên quan. Đồng bộ “nuôi nước”, các ao tôm giờ đây được kiểm soát các chỉ tiêu cơ bản như pH, độ mặn, nhiệt độ, oxy hoà tan dễ dàng qua cảm ứng. Cùng lúc việc kiểm tra các chỉ tiêu hoá, lý, sinh khác cũng có thể thực hiện nhanh nếu có nguồn kinh phí đầu tư đủ.
           Trở lại với tình hình nuôi tôm vụ chính 2021. Cơ bản là phát triển tốt hơn các năm qua. Tôm lớn khá nhanh và ít dịch bệnh hơn. Nguyên nhân tôi đã nêu, nay nói lại cho tròn ý. Đó là người nuôi đã nâng cao ý thức, hiểu biết cần thiết về các giải pháp nuôi tôm và đã ứng dụng theo khả năng; là thả giống đúng lịch thời vụ, là thời tiết thuận và cũng có thể tôm bố mẹ thế hệ mới có cải tiến tính trội như chống chịu bệnh, mau lớn...
          Con tôi đi học ở Úc, báo tin cuối tháng tư mà Úc khá lạnh. Điều này xảy ra phổ biến từ tháng bảy. Chợt nhớ La Nina, nó đang hiện hữu dưới kia. Nó mà đang ở đây, mùa tôm ta chắc “mặn” vì nước mắt!
          Covid-19 đã tác động xấu đến thế giới. Ông bà ta có câu rất hay “Trong nguy có cơ!”. Cái NGUY là một số cường quốc nuôi tôm đang vật vã với Covid, chắc chắn chuỗi cung ứng nuôi ít nhiều bị gãy đổ. Đó là CƠ cho con tôm ta thuận lợi tung tăng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không chủ quan, bởi sự tăng trưởng chỉ bền vững khi có sự đồng bộ. Các mắc xích trong chuỗi giá trị con tôm cần lắm yếu tố này. Thí dụ, nuôi tôm phát triển nhanh quá, có thể dẫn tới thiếu thức ăn cho tôm cục bộ. Thậm chí, khu công nghiệp Sóc Trăng, có chục nhà máy chế biến tôm, đều là nhà máy lớn. Các năm qua phát triển nhanh, nguy cơ là hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng, sẽ gây ùn tắc tôm chờ chế biến hoặc ô nhiễm môi trường. Cái nào xảy ra cũng không tốt.
           Được mùa mất giá là câu than thở khá phổ biến của nông dân ta. Nó phản ảnh quy luật cung cầu nhưng cũng nói lên một góc độ thiếu sự quan tâm đúng mức, thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược phát triển của ngành. Một lãnh đạo mới của ngành có tính thần cởi mở lẫn tăng tiến đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng điểm mấu chốt này. Đó là phải có tư duy kinh tế trước khi bắt tay sản xuất, không còn quán tính sản xuất đơn thuần như trước đây. Nhưng từ lời nói đến hiện thực còn khoảng trống không nhỏ, muốn lắp đầy cần không ít thời gian. Nhưng có lòng tin còn hơn không có. Có lòng tin sẽ dẫn tới có quyết tâm. Có quyết tâm sẽ chung tay và chia sẻ. Chỉ cần chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, các dự báo… là quá đủ. Ngành tôm đang nỗ lực làm tốt điều này. Tôm nuôi khá nhưng đồng thời giá cả duy trì khá tốt. Sẽ có mùa tôm ngọt và hy vọng các nông phẩm khác cũng hứa hẹn vị ngọt, êm vui…

     CULOH 5/2021